Cụ bà thọ 103 tuổi có 2 bí quyết đơn giản để kéo dài tuổi thọ, về già trí óc minh mẫn hơn cả lúc đôi mươi
Cụ bà này là nhà khoa học đoạt giải Nobel đầu tiên sống thọ hơn 100 tuổi.
Nhà thần kinh học nổi tiếng người Italy Rita Levi Montalcini từng giành giải Nobel Y học năm 1986 cho công trình phát hiện ra cơ chế điều chỉnh sự phát triển của các cơ quan và tế bào. Bà sinh ra trong một gia đình gốc Do Thái tại Ý, qua đời năm 2012 ở tuổi 103, là người đoạt giải Nobel đầu tiên sống thọ hơn 100 tuổi.
Để trí óc không ngừng hoạt động
Tại buổi tiệc sinh nhật 100 tuổi của mình, Rita Levi Montalcini cho biết ở độ tuổi này, “trí óc tôi còn minh mẫn hơn so với năm tôi 20 tuổi. Bản thân tôi không ngừng tò mò và làm phong phú tâm trí của mình bằng những trải nghiệm suốt nhiều năm qua”.
Nhà thần kinh học này từng nói về bí quyết trường thọ của mình là việc mà bà làm trong nhiều năm: Không ngừng tư duy và giữ cho bộ não của mình luôn trong trạng thái cần hoạt động tỉnh táo.
Theo bà Rita Levi Montalcini, nếu không để đầu óc minh mẫn, bạn sẽ dễ bị trực giác và cảm xúc nhất thời điều khiển, mắc một số thói hư tật xấu ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Điều quan trọng là khi não luôn có ý thức suy nghĩ, điều này có lợi cho việc trì hoãn lão hóa não, ngăn ngừa bệnh thần kinh, đồng thời giảm nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ và các bệnh tim mạch, mạch máu não.
Trái ngược với những người cao tuổi khao khát nghỉ ngơi khi về già, nhà thần kinh học Rita Levi Montalcini vẫn làm việc hàng ngày tại Viện Nghiên cứu Não bộ Châu Âu do bà thành lập ở Rome (Ý). “Dì tôi vẫn làm việc nhiều giờ mỗi ngày cho tới khi qua đời”, cháu gái nhà khoa học Montalcini tiết lộ.
Sống lạc quan, sinh hoạt điều độ
Dù quá khứ từng trải qua nhiều khó khăn, Rita Levi Montalcini vẫn luôn thể hiện thái độ sống tích cực, lạc quan tập trung cho cuộc sống hiện tại và không sợ hãi cái chết. “Đừng sợ những giây phút khó khăn. Những điều tốt đẹp nhất luôn sinh ra chính từ sự khó khăn ấy”, nhà thần kinh học người Ý chia sẻ.
Ngoài việc khuyên mọi người hãy luôn để bộ não hoạt động, bà Montalcini còn có thói quen sinh hoạt vô cùng điều độ khi đi ngủ lúc 23 giờ và thức dậy lúc 5 giờ sáng mỗi ngày. Bà chỉ ăn 1 bữa/ ngày vào buổi trưa và thích tận hưởng sự vui vẻ khi mời khách đến nhà tham gia những bữa tiệc.
Luôn lạc quan và có nhịp sống điều độ là bí quyết của không ít người sống thọ trên thế giới. Một nghiên cứu từ năm 2019 của ĐH Boston (Mỹ) chỉ ra cả đàn ông và phụ nữ lạc quan đều sống lâu hơn trung bình 11–15%. Những người sống lạc quan có thể giảm nguy cơ mắc bệnh trầm cảm và bệnh tim.
Các tác giả của nghiên cứu nhận thấy rằng những người lạc quan có nhiều động lực hơn để duy trì sức khỏe tốt thông qua tập thể dục thường xuyên và chế độ ăn uống lành mạnh. Nhà vật lý John Goodenough 101 tuổi, từng đoạt giải Nobel năm 2019 cũng nổi tiếng với lối sống lạc quan, tính cách vui vẻ, hài hước và hòa đồng.
Rita Levi Montalcini không kết hôn mà chỉ dồn hết tâm huyết và cống hiến cho niềm đam mê duy nhất là khoa học. Bà đạt được nhiều thành tựu trong suốt sự nghiệp của mình, được tôn vinh với vô số những giải thưởng. Dữ liệu thu thập đăng trên tạp chí JAMA Network Open năm 2019 cho thấy, việc có ý thức về mục đích sống sẽ giảm nguy cơ tử vong.
Theo dõi Evachoice để cập nhật thêm những thông tin mới nhất mỗi ngày!