Loại gia vị thay thế cho muối và đường, nhưng khi dùng nên ghi nhớ 3 lưu ý quan trọng
Hạt nêm là gia vị hữu ích, nhưng cũng là "con dao hai lưỡi" nếu dùng không đúng cách.
Trong ẩm thực Việt Nam, ngoài những gia vị cơ bản như muối và đường, hạt nêm đã trở thành một thành phần phổ biến trong nhiều bữa ăn gia đình.
Hạt nêm được yêu thích bởi khả năng tạo hương vị thơm ngon, vừa làm dịu vị mặn của muối, vừa mang lại chút ngọt nhẹ thay cho đường. Tuy nhiên, việc sử dụng hạt nêm không hề đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ. Các chuyên gia cho rằng việc lạm dụng hạt nêm tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe và có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng về lâu dài.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, hạt nêm thường có hàm lượng muối cao, tiếp đến là các chất điều vị và một lượng rất nhỏ các thành phần đạm hoặc rau củ. Điều đáng lưu ý là khi nấu ăn, nhiều người có thói quen dùng hạt nêm "thoải mái| cho đến khi đạt vị đậm đà. Điều này dẫn đến việc cơ thể hấp thụ quá nhiều muối, dễ gây ra các vấn đề sức khỏe liên quan đến thừa muối.
3 lưu ý quan trọng cần nắm được trước khi sử dụng hạt nêm
1. Không nên lạm dụng hạt nêm
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một người không nên tiêu thụ quá 5 gram muối mỗi ngày, bao gồm cả muối từ hạt nêm, bột canh, thức ăn và rau củ quả.
Việc dùng hạt nêm có thể khiến lượng muối trong bữa ăn vượt quá ngưỡng khuyến cáo, dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh lý như cao huyết áp, tim mạch và bệnh thận. Do vậy, khi dùng hạt nêm, người dùng cần giảm lượng muối và các gia vị có chứa muối để tránh tích tụ muối trong cơ thể.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm (nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cũng chỉ ra rằng, mặc dù mì chính và hạt nêm được Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế cấp phép sử dụng, nhưng sử dụng chúng vẫn cần cẩn trọng và đúng liều lượng. Thành phần của hạt nêm không bao gồm muối iốt, do đó nếu chỉ dùng hạt nêm mà không bổ sung muối iốt, cơ thể có thể bị thiếu hụt iốt, dẫn đến các vấn đề về tuyến giáp.
TS. Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, hạt nêm chỉ mang lại vị ngọt tự nhiên, dễ chịu chứ không có giá trị dinh dưỡng cao. Lạm dụng hạt nêm có thể khiến người dùng bỏ qua mất nguồn dinh dưỡng từ thực phẩm tự nhiên và gia tăng nguy cơ về các vấn đề sức khỏe.
2. Sử dụng loại hạt nêm uy tín, an toàn
Hiện nay trên thị trường xuất hiện nhiều loại hạt nêm không nhãn mác, không rõ xuất xứ, không hạn sử dụng – thường được gọi là "hạt nêm 3 không". Việc sử dụng những sản phẩm này tiềm ẩn nguy cơ nhiễm khuẩn như E.coli, Salmonella do quy trình đóng gói và nguyên liệu không đảm bảo. Một số sản phẩm còn có nguy cơ chứa kim loại nặng như chì và cadimi, gây ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe.
3. Người dễ dị ứng nên thận trọng khi dùng
Hạt nêm thường chứa muối, đường, chất điều vị như monosodium glutamate (MSG - mì chính), các chất siêu ngọt và chất điều vị khác như E627, E631. Những chất này giúp tăng hương vị món ăn nhưng đồng thời cũng có thể gây dị ứng với một số người. Người bị dị ứng với mì chính hoặc nhạy cảm với các chất điều vị cần hết sức thận trọng khi sử dụng hạt nêm. Đặc biệt, phụ nữ mang thai trong ba tháng đầu và trẻ sơ sinh cũng cần hạn chế để tránh tác động không mong muốn.
Lưu ý khi sử dụng hạt nêm
1. Dùng hạt nêm vừa phải
Chỉ dùng một lượng nhỏ (1-2 thìa hạt nêm) để điều vị, không nên dùng quá nhiều hạt nêm khi nấu ăn.
2. Kết hợp muối iốt
Để đảm bảo đủ iốt cho cơ thể, hãy dùng thêm muối iốt khi chế biến.
3. Tránh hạt nêm không rõ nguồn gốc
Lựa chọn sản phẩm có thương hiệu uy tín, đầy đủ nhãn mác để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn và các chất độc hại. Phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ và những người dị ứng với mì chính cần hạn chế hoặc tránh sử dụng hạt nêm.
Theo dõi Evachoice để cập nhật thêm những thông tin mới nhất mỗi ngày!