Chuyện những người đến bệnh viện tìm con sau nhiều năm bỏ rơi
Bà T. - một điều dưỡng có thâm niên hơn 30 năm làm tại khoa sơ sinh cho biết, suốt quá trình làm việc, bà đã chăm sóc rất nhiều em bé sơ sinh bị bỏ rơi. Một số người thân sau này có quay lại xin thông tin để tìm con nhưng chưa thấy ai gặp được.
Bà T. hiện đang là điều dưỡng khoa sơ sinh tại một bệnh viện lớn ở TP.HCM. Trong hơn 30 năm làm việc, bà đã chăm sóc cả trăm em bé bị người thân bỏ rơi. Có thời điểm, khoa của bà nhận tới 9-10 bé không được đón về. Những đứa trẻ ấy được chữa bệnh, nuôi dưỡng đến khi làm xong thủ tục pháp lý sẽ chuyển về các trung tâm bảo trợ xã hội hoặc được gia đình nào đó nhận nuôi.
Những em bé không được người thân đón nhận thường rơi vào hoàn cảnh như bệnh tật, dị tật, mẹ chưa kết hôn đã sinh con, mẹ bị nghiện ma túy, mẹ đi tù, có khi mẹ hiểu nhầm là đã mất…
Những đứa trẻ bị bỏ rơi ở bệnh viện.
Khoảng năm 1991, bà T. còn là một điều dưỡng trẻ mới vào nghề. Khoa của bà tiếp nhận một em bé sinh non chỉ nặng 700g, người mẹ đã bỏ về. Qua tìm hiểu, bà được biết người mẹ ấy đã sinh đôi tại bệnh viện, một bé đã mất ngay khi sinh ra, chỉ còn em bé nặng 700g sống sót.
Ai cũng khen đứa trẻ có sức sống mãnh liệt, bởi hồi ấy mọi thứ đều thiếu thốn. Sau khoảng 2 tháng nuôi dưỡng, con tăng lên 1,2kg. Lúc này, bà T. hay tin con sắp được chuyển vào cô nhi viện. Xót lòng cho đứa nhỏ, lại không hiểu vì sao người mẹ nỡ bỏ con, bà T. cùng đồng nghiệp lần theo địa chỉ, tìm về nhà con.
“Khi chúng tôi đến, người mẹ đang ngồi bán hủ tiếu trước cửa. Tôi nghẹn ngào hỏi: Sao chị đẻ con mà không rước nó về? Con sắp bị đưa đi cô nhi viện kìa. Người mẹ cũng bàng hoàng rồi bật khóc nói: “Tôi có bỏ con đâu”, rồi bỏ quầy hủ tiếu đó đi đón con về”, bà T. cười khi nhớ lại.
Hóa ra, người phụ nữ có chồng đi làm xa, được hàng xóm đưa đi viện. Chị nhờ người hàng xóm hỏi thăm tình hình đứa trẻ, bởi nghe không rõ, người này về nói với chị cả 2 con đều mất. Vợ chồng chị đau lòng suốt thời gian dài.
Thế nhưng, đó là trường hợp hiếm hoi mà bà T. có thể tìm được gia đình cho đứa trẻ, còn rất nhiều những em bé khác không được nhận về.
Khoảng năm 2003, một sản phụ rất trẻ vào bệnh viện để sinh. Ngay sau khi đứa nhỏ được sinh ra, người mẹ còn chưa kịp nhìn mặt con đã bị bà ngoại đã mang con lên khoa sơ sinh và bỏ lại.
“Người này nói không chấp nhận đứa cháu, bệnh viện cho ai thì cho”, bà T. chia sẻ.
Đứa bé rất đẹp, là kết quả của mối tình dang dở giữa hai sinh viên. Sau đó, con được người ta nhận nuôi rồi cùng cha mẹ nuôi ra nước ngoài định cư. Hơn 10 năm sau, bà ngoại của bé quay lại xin thông tin để tìm cháu nhưng không thể liên lạc với gia đình đã nhận nuôi. Lúc này, người bà khóc nghẹn vì hối hận.
Thời điểm con gái bà mang thai, nhà nội của bé không biết. Cũng bởi trước đó cả 2 gia đình ngăn cấm chuyện yêu đương nên bà không thể chấp nhận đứa cháu. Đáng tiếc, con gái bà sau này lấy chồng nhưng mãi mà không có con, bà mới đi tìm lại đứa trẻ đã bị chính tay mình vứt bỏ.
Còn một người mẹ khác đã có ý định bỏ con ngay từ lúc mang bầu. Khi vào bệnh viện sinh con, người mẹ này khai quê ở một tỉnh miền Trung. Thấy em bé đỏ hỏn bị bỏ lại, phía bệnh viện đã liên hệ theo họ tên và địa chỉ mà người phụ nữ cung cấp nhưng địa phương phản hồi không có ai tên tuổi như vậy. Em bé sau đó được đưa vào cô nhi viện.
Mười mấy năm sau, người phụ nữ quay lại bệnh viện hỏi thông tin, kể đúng tên tuổi, địa chỉ giả đã khai lúc trước. Từ chồng hồ sơ riêng của các bé bị bỏ rơi, bà T. chỉ cho người mẹ cô nhi viện nơi con được chuyển đến. Một thời gian sau người phụ nữ quay lại, báo em bé đã được nhận nuôi và không liên lạc được nữa.
Bà T. cho biết: “Chúng tôi đã tiếp nhận nhiều người quay lại hỏi thông tin để tìm con sau thời gian dài bỏ rơi nhưng chưa thấy ai gặp được”.
Bà T. cũng bày tỏ nỗi băn khoăn, trong khi các nhân viên y tế chỉ chăm sóc các con còn “mến tay mến chân”. Thời điểm các con mới chuyển đi là nhớ lắm, chỉ mong có lý do để sang thăm lại, vậy mà không hiểu sao nhiều người mang nặng đẻ đau lại nhẫn tâm vứt bỏ để các con khổ sở đến vậy.