8 thói quen giúp trẻ phát triển trí thông minh
Trẻ ngủ đủ giấc, ăn uống lành mạnh, hoạt động thể chất thường xuyên, hạn chế dùng điện thoại có thể kích thích não bộ phát triển.
Dù trí thông minh của trẻ phụ thuộc nhiều vào gene di truyền nhưng một số thói quen tốt cũng có tác động tích cực đến não.
Dành thời gian chơi cùng con
Dành thời gian chơi với con có thể giúp xây dựng mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, từ đó tạo nền tảng cho các mối quan hệ khác. Vui chơi mang lại cơ hội thực hành các kỹ năng quan trọng về cảm xúc xã hội, giao tiếp và nhận thức ở trẻ nhỏ.
Duy trì giấc ngủ ngon
Giấc ngủ rất quan trọng ở mọi lứa tuổi, giúp củng cố ký ức bằng cách tổng hợp kinh nghiệm và thu thập thêm kiến thức. Nó còn cần thiết với trẻ nhỏ vì não đang trong giai đoạn phát triển và xử lý thông tin. Trẻ sơ sinh nên ngủ 14-17 giờ mỗi ngày, trẻ 1-3 tuổi cần 11-14 giờ, 10-13 giờ khi 3-5 tuổi. Ở giai đoạn 6-12 tuổi, nhu cầu ngủ còn khoảng 9-12 giờ, thanh thiếu niên là 8-10 tiếng.
Dinh dưỡng hợp lý
Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng là yếu tố cần thiết cho sự phát triển trí não tối ưu của các bé. Trong năm đầu đời, phần lớn chất dinh dưỡng đến từ sữa mẹ hoặc sữa công thức. Từ giai đoạn ăn dặm trở đi, ba mẹ nên ưu tiên bữa ăn với thực phẩm nhiều màu sắc và nhiều nhóm thức ăn khác nhau. Chúng cung cấp đầy đủ các vitamin, khoáng chất để duy trì bộ não khỏe mạnh.
Đọc sách
Đọc sách mang lại cơ hội học ngôn ngữ, gắn kết với ba mẹ cũng như giúp trẻ tiếp xúc với những thứ mà chưa thể tận mắt nhìn thấy. Thói quen này kích thích sự tò mò, khám phá thế giới của các bé.
Chọn đồ chơi phù hợp với độ tuổi
Đồ chơi có thể giúp trẻ làm quen với nhiều kỹ năng mới. Phụ huynh chọn đồ chơi phù hợp với độ tuổi của trẻ để con phát triển khả năng hoặc vượt qua thử thách hợp lý. Tìm hiểu các loại đồ chơi khác nhau có thể mang lại sự tự tin, nhận thức về không gian cho trẻ.
Hạn chế thời gian dùng thiết bị điện tử
Nghiện sử dụng thiết bị ở trẻ nhỏ có thể tác động tiêu cực đến sự phát triển trí não. Học viện Nhi khoa Mỹ (AAP) khuyến nghị trẻ em dưới hai tháng tuổi nên tránh sử dụng thiết bị điện tử ngoài việc trò chuyện video. Từ 2 đến 5 tuổi, ba mẹ nên giới hạn thời gian xem chương trình phù hợp với độ tuổi ở mức tối đa một giờ mỗi ngày. Ba mẹ cần giám sát nội dung để nắm bắt những gì bé đang xem.
Hoạt động thể chất tích cực
Hoạt động thể chất không chỉ quan trọng với sức khỏe thể chất mà còn có ích với tinh thần. Chúng giải phóng hormone endorphin có thể chống lại cảm giác trầm cảm và lo lắng. Thể dục thường xuyên cũng thúc đẩy sự tự tin, gắn kết với bạn bè. Trẻ em 6-17 tuổi cần tập thể dục ít nhất một giờ mỗi ngày, phù hợp với thể lực.
Ăn uống cùng gia đình
Ăn cùng nhau cũng là cơ hội để bé quan sát và học hỏi kỹ năng giao tiếp từ người lớn. Điều này hỗ trợ các kỹ năng ngôn ngữ cũng như kỹ năng xã hội khi trưởng thành. Các thành viên trong gia đình nên dành thời gian dùng bữa cùng nhau. Tắt tất cả thiết bị điện tử và trò chuyện, tương tác với nhau để làm gương cho con về ăn uống lành mạnh.
- » 12 thực phẩm trẻ nên ăn thường xuyên
- » Tại Sao Omega Là Chìa Khóa Cho Sự Phát Triển Não Bộ Của Trẻ?
- » Ăn óc heo có giúp trẻ thông minh?
- » Muốn con hạnh phúc hãy dạy con theo 5 cách sau
- » 1 loại sữa người Việt cực mê nhưng lại sợ tiềm ẩn nguy cơ gây dậy thì sớm ở trẻ, giải đáp của BS giúp bố mẹ biết được sự thật