Nhận biết bệnh đường hô hấp ở trẻ qua triệu chứng ho

Nguyễn Trinh

Trẻ ho nhiều về đêm thường do cảm lạnh, hen suyễn, ho sặc sụa để cố gắng làm sạch đường thở có thể là dấu hiệu của hóc dị vật.

ThS.BS Lê Anh Trọng, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, ho là phản ứng tự nhiên giúp làm sạch đường thở, đa phần lành tính... Thông qua biểu hiện ho, phụ huynh có thể nhận biết một số bệnh hô hấp ở trẻ, từ đó có hướng xử trí phù hợp.

Ho khan

Ho khan là tiếng ho lớn nhưng không có dịch nhầy. Đây thường là biểu hiện của bệnh viêm thanh quản, dị ứng, tim bẩm sinh hoặc các nguyên nhân gây kích ứng đường thở khác. Với viêm thanh quản, đường hô hấp trên bị sưng tấy, khiến trẻ khó thở, tiếng thở rít, to và ồn. Bé ho đột ngột, thường xuất hiện vào giữa đêm. Trẻ mắc bệnh lý dị ứng thường ho tăng về đêm và sáng sớm hoặc khi có thay đổi thời tiết. Trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh thường ho khan rải rác, tăng khi trẻ gắng sức.

Ho đờm

Ho đờm thường là biểu hiện của các bệnh lý viêm nhiễm của đường hô hấp dưới như viêm phổi, viêm phế quản phổi, viêm phế quản... Bé thường ho rải rác trong ngày, có thể tăng về đêm.

Ho gà

Ho gà là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do vi khuẩn Bordetella Pertussis gây ra. Trẻ bị ho gà có những cơn ho liên tiếp, co thắt ngực, thở rít, nhiều đờm nhớt xuất tiết cuối cơn ho. Ngoài các cơn ho, trẻ hắt hơi, sổ mũi và sốt nhẹ.

Bác sĩ khám hô hấp cho bệnh nhi. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

Bác sĩ khám hô hấp cho bệnh nhi. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

Ho về đêm

Trẻ ho nhiều hơn vào buổi đêm có thể là biểu hiện của cảm lạnh hoặc hen suyễn. Khi cảm lạnh, chất nhầy từ mũi và xoang có thể chảy xuống cổ họng, khiến bé ho tăng khi đang ngủ. Trẻ bị hen suyễn cũng thường ho vào ban đêm do thời điểm này đường hô hấp nhạy cảm, liên quan đến nhịp sinh học của trẻ.

Ho kèm thở khò khè

Nếu cơn ho kèm âm thanh khò khè khi thở ra có thể là biểu hiện đường hô hấp dưới bị viêm, thường xảy ra ở trẻ mắc bệnh hen suyễn hoặc viêm tiểu phế quản do nhiễm virus. Thở khò khè cũng xảy ra nếu đường hô hấp bị tắc nghẽn bởi vật lạ. Khi gặp trường hợp này, phụ huynh cần chú ý theo dõi bé để có biện pháp xử lý kịp thời.

Ho kéo dài, có thể kèm nôn mửa

Trẻ bị nhiễm virus thường ho kéo dài dai dẳng cả tuần. Bệnh hen suyễn, dị ứng hoặc nhiễm trùng mạn tính ở xoang hay đường hô hấp cũng là nguyên nhân. Trong nhiều trường hợp, trẻ bị cúm hoặc hen suyễn có thể ho nhiều khiến chất nhầy chảy vào dạ dày, gây ra buồn nôn, nôn trớ. Khi trẻ nôn mửa không ngừng hoặc nôn dịch xanh, dịch vàng bất thường, mệt, da nhợt hoặc tái cần đến viện ngay.

Ho do dị vật đường hô hấp

Khi hóc dị vật, trẻ ho sặc để cố gắng làm sạch đường thở. Một số trường hợp bé có biểu hiện mặt tím tái, có tiếng thở rít, người ngột ngạt. Khi dị vật xuống sâu và ổn định thì giảm ho, giảm khó thở. Nếu dị vật gây viêm nhiễm thì trẻ thường ho có đờm hoặc máu, ho dai dẳng, sốt cao, đau ngực.

Theo bác sĩ Trọng, các bệnh lý hô hấp thường gặp ở trẻ đa số lành tính và triệu chứng giảm dần, có thể tự theo dõi tại nhà. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh lý có thể diễn tiến nặng lên bất thường. Phụ huynh nên đưa trẻ đi khám, điều trị kịp thời khi con ho và sốt dai dẳng 5-7 ngày, kèm chán ăn, sụt cân, khó thở, nhịp thở nhanh hơn bình thường. Trẻ có dấu hiệu ho ra máu cần nhập viện gấp.