BỐ MẸ ÍCH KỶ MỘT LẦN CÓ ĐƯỢC KHÔNG (Phần 2)

Nguyễn Trinh

Tôi vẫn nhớ như in những ngày thơ bé, khi bố ôm tôi vào lòng, thủ thỉ rằng: “Mẹ bảo bố về làm lại nhà máy đi, buôn bán rủi ro lắm. Nhưng bố mà về thì làm gì có tiền mua búp bê cho con.” Đó là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất tôi thấy bố mở lời tâm sự. Giờ đây, khi bố đã ngoài 60, tôi vẫn chưa thể đưa bố đi du lịch hay chí ít là một chuyến đi chơi không dính líu đến công việc.

 Khi tỉnh táo, bố thường bảo không thích đi đâu, không có nhu cầu khám phá thế giới. Ông còn nói, nếu phải đi du lịch bằng tiền của con cái, đến lúc con cái kể công thì thật nhục.

Gia đình hạnh phúc là nền tảng của quốc gia thịnh vượng

Mẹ tôi thì luôn sẵn lòng đón nhận những chuyến đi, có lẽ bởi vì bà vẫn còn làm ra tiền. Đôi khi, tôi hay nghe bạn bè than phiền rằng ông bà nội ngoại còn khỏe nhưng không chịu trông cháu giúp, để con cái xoay sở với cuộc sống bận rộn. Mỗi lần như thế, tôi chỉ biết thở dài, nghĩ về bố mẹ mình – những người lúc nào cũng hết lòng vì con cái. Tôi chỉ mong ông bà biết tận hưởng một chút, biết ích kỷ một chút. Mạnh dạn bán đất cát nhà cửa đi để mua một căn nhà nhỏ hơn, hợp với hai người. Mở một sổ tiết kiệm, tiêu tiền từ lãi suất, an hưởng tuổi già. Thi thoảng đi du lịch bằng chính tiền của mình, thay vì chỉ chăm chăm bán đất sao cho được giá nhất để dành cho con.

Thỉnh thoảng, bố mẹ tôi đùa rằng khi nào chân yếu tay run, đầu óc lú lẫn thì con cho vào viện dưỡng lão thì cũng phải vào thôi. Nhưng thật sự, dù khó khăn thế nào, tôi cũng không nỡ làm điều đó. Bởi lẽ bố mẹ tôi, dù già nhưng chưa bao giờ có một sổ tiết kiệm nào. Họ cũng chưa từng để con cái thiếu thốn. Khi người ta dành dụm từng đồng mua trái phiếu, bố mẹ tôi dành tiền đặt năm số báo mỗi tuần cho tôi. Khi nhà tôi phá sản, bố mẹ vẫn vay mượn để hai anh em có thể ăn học đến nơi đến chốn. Khi tôi sinh con, bố mẹ lại thu xếp từng chút thời gian để lên chăm cháu. Có được đồng dư dả nào, mẹ tôi lại mua chỉ vàng để dành cho cháu nội, cháu ngoại.

Những mùa hè, bố mẹ chỉ mong đón cả đám cháu về, lo cho chúng ăn uống bổ béo – điều mà ông bà không làm được với chính con mình thời thiếu thốn. Tôi tự hỏi, nếu một ngày nào đó bố mẹ không còn đủ sức để nấu cơm, giặt giũ, hay mất đi cả khả năng tự chủ trong sinh hoạt, tôi có thể tuyệt tình mà đưa bố mẹ vào viện dưỡng lão hay không? Dù đôi khi, tôi tự trách mình chưa đủ giỏi giang để lo cho bố mẹ một cuộc sống tốt hơn. Sinh hoạt thường ngày với bao mối quan hệ họ hàng, xóm giềng khiến người già thêm cô đơn và áp lực với những lo toan tiền bạc.

Nhưng khi tôi biếu bố mẹ vài đồng, hay rủ mẹ đi du lịch, chụp cho bà vài tấm ảnh để đăng lên Facebook, tôi không thấy gương mặt họ ánh lên niềm vui như khi những đứa cháu ùa vào nhà mỗi mùa hè oi ả, hay khi chị dâu tôi gọi điện thông báo cháu đích tôn nhất quyết không cho ai nằm lên chiếc gối của ông để giữ lại mùi hương của ông bên nó. Bố mẹ tôi cần gì ở chúng tôi? Bố mẹ muốn chúng tôi báo hiếu thế nào? Tôi không chắc là mình đã hiểu hết, nhưng có lần bố kể rằng, mẹ từng giận chồng mà mặt sưng lên, nhưng ai đến nhà khen con gái là bà quay ra niềm nở ngay. Dù chồng có thế nào, bà cũng chịu được hết. Nhưng nếu con bà gặp chuyện, chắc bà phải nhập viện vì lo lắng mất.

Tôi tự nhủ mình phải sống thật tốt, để bố mẹ luôn an tâm và tự hào về tôi. Dù có mãi mê trong vòng xoay của công việc và tham vọng, tôi vẫn luôn nhớ đến căn nhà thời thơ ấu với hai người già đang trằn trọc lướt Facebook, quên cả thời gian, và bật tivi để ngủ ngon trong tiếng rao hàng giữa đêm khuya. Đó là nơi tôi luôn muốn quay về, vì biết rằng, dù có ra sao, bố mẹ vẫn luôn đợi tôi, vẫn yêu thương và không mong nhận lại gì ngoài hạnh phúc của con cái.

>>> Xem thêm nhiều câu chuyện hay tại đây