34 năm bế tắc trong chiếc lồng hôn nhân
Họ “mắc kẹt” trong hôn nhân, ở nhiều mức độ, tính chất riêng. Chất lượng hôn nhân xấu không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần của vợ chồng mà cả con cái.
Mới đây, chị tìm đến Báo Phụ nữ TPHCM nhờ tư vấn và giới thiệu luật sư để chị tiến hành thủ tục ly hôn. Tuy nhiên, từ 14 năm trước, chị đã đến với báo, cũng với mục đích trên. Chị chia sẻ: “34 năm lấy chồng, chắc phải mấy trăm lần tôi tính ly hôn, nhưng tôi không thể thoát ra vì mang nhiều nỗi sợ. Ngày xưa thì tôi sợ các con không có cha; sau này thì có sui gia, cháu nội ngoại nên sĩ diện, sợ ảnh hưởng đến danh dự của mình và con, cháu”.
Ô sin cho nhà chồng
Chị tên N.H.P. - ở quận 6, là cựu sinh viên Văn khoa, Đại học Tổng hợp (Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn ngày nay). Chị lấy chồng - anh P.Q.M. - sau khi tốt nghiệp đại học và chồng chị là một thầy giáo được người quen mai mối. Ngày chị kết hôn, ai cũng nghĩ cuộc đời chị sang trang mới, sung sướng và hạnh phúc; bởi gia đình chồng chị giàu có, kinh doanh hàng may mặc rất thành công. “Đúng là đời tôi sang trang mới sau khi cưới, nhưng từ một cô sinh viên mới ra trường nhiều hoài bão, tôi trở thành một bà nội trợ. Tôi tưởng chỉ ở nhà vài tháng rồi đi làm, vậy mà đã 34 năm” - chị P. nói.
Ảnh mang tính minh họa |
Lần nào đến với Báo Phụ nữ TPHCM, chị P. cũng trong tâm trạng bế tắc. Lần đến gần nhất là chị xin phép đi bệnh viện tái khám rồi tranh thủ ghé tòa soạn. Chị nức nở: “Tôi bị ung thư vú. Từ ngày phát hiện tới nay đã gần 5 năm, nhưng chưa lần nào chồng đưa tôi đi khám. Sống giữa đại gia đình hơn 20 người nhưng tôi rất cô độc. Mọi người chỉ quen với sự phục vụ của tôi”.
Ngày phát hiện bệnh, chị về nhà vẫn phải nấu ăn, dọn dẹp như thường lệ, dù trong lòng ngổn ngang, đau khổ. Chị chia sẻ với chồng. Nghe xong, anh hỏi cộc lốc “sao bệnh?”, khiến chị không biết trả lời thế nào. Vậy rồi thôi, không có sự quan tâm, chăm sóc nào khác từ người bạn đời. Còn các chị em chồng chỉ quan tâm tới chuyện chị “bệnh vậy rồi có nấu cơm được không?”. Thấy chị vẫn ráng gồng gánh việc nhà, mọi người nhanh chóng quên ngay căn bệnh của chị, xem như không có việc gì xảy ra. Việc nhà đầu tắt mặt tối, 1 năm chị chỉ được “nghỉ phép” vào những ngày đi bệnh viện.
Chị P. cho biết, sau khi kết hôn 7 tháng, chị đã nghĩ tới chuyện ly hôn, vì chị phát hiện chồng không chỉ ít nói, khô khan (trước đó chị nghĩ vì anh là giáo viên toán nên có tính cách vậy) mà còn rất cộc cằn, gia trưởng, tính toán chi li, đặc biệt lại có tính vũ phu. Vợ chồng chị sống cùng 4 gia đình anh chị em khác, mỗi gia đình nhỏ được ba má chồng cho ở 1 tầng trong nhà.
Ban đầu, anh M. hứa hẹn: “Em ở nhà làm dâu vài tháng rồi anh sẽ xin việc cho em”. Hằng ngày, chị cùng mẹ chồng nấu ăn, dọn dẹp và lau 5 tầng lầu. Chị chưa kịp đi làm thì mang thai. Mẹ chồng quyết “sinh con xong rồi tính”. Chị P. tâm sự: Khi đó, tôi tù túng và áp lực kinh khủng. Bầu bí nghén nặng vẫn phải nấu cơm, rửa chén, lau nhà. Mở miệng than thì chồng nạt “Làm như chỉ mình em biết mang bầu. Chồng đi làm về mệt, em nói được chuyện gì vui thì nói, không thì im đi”.
Chồng quy định, 1 tháng chị được về nhà mẹ ruột 2 lần, mỗi lần về 1 buổi và phải quay về kịp giờ nấu bữa trưa cho nhà chồng. Chị mà lỡ về trễ, nấu nướng trễ là bị mẹ chồng mắng nhiếc, chị em chồng lời ra tiếng vào; nếu phản ứng có khi còn bị chồng cho ăn tát.
Có chồng cũng như không
Chị P. cho biết, chị sinh lần lượt 4 đứa con, mỗi đứa cách nhau 3 năm. Thanh xuân của chị trôi qua trong tất bật tã sữa, những lần con bệnh, con khóc.
Chồng lấy lý do bận đi dạy nên không phụ chăm con. Những khi con bệnh, cũng chỉ mình chị thức đêm canh sốt, lau mát cho con. Con nằm viện, chị túc trực ngày đêm, chồng chỉ vào thăm rồi về như khách. Vất vả vậy nhưng chị không hề nhận được sự cảm thông, chia sẻ từ chồng, nhà chồng, mà còn chịu những lời trách cứ “ở nhà chăm con cũng không xong”.
Chồng chị và gia đình chồng đều nghĩ chị may mắn mới được chồng nuôi, không phải tất tả mưu sinh như bao người. Thế nhưng, ở trong chăn mới biết chăn có rận. Chị bức xúc: “Mang tiếng làm dâu nhà giàu nhưng trong người tôi hầu như không có tiền; bởi lương của chồng thì anh giữ riêng, ăn uống chung với đại gia đình, còn công phụ bán hàng với nhà chồng thì mẹ chồng quy đổi: “Để mẹ giữ, còn cho tụi nhỏ ăn học sau này”.
Vì vậy, mỗi lần con bệnh, mỗi khi cần mua những đồ dùng tối thiểu cho bản thân, chị đều phải xin tiền mẹ chồng. Ròng rã tới ngày mẹ chồng mất thì quyền cai quản lại rơi vào tay chị chồng, còn chị vẫn mãi là “kẻ ăn bám”. Mãi đến gần đây, 2 con đầu của chị có việc làm ổn định, hằng tháng các con cho mẹ ít tiền thì chị mới có tiền tiêu vặt.
Ảnh mang tính minh họa |
Cứ mỗi khi gặp chuyện buồn, chị lại tìm đến Báo Phụ nữ TPHCM, bởi mấy chục năm làm dâu, chị không còn người bạn nào để có thể tâm sự. Lần nào đến chị cũng khóc vì “có chồng cũng như không”. Hồi còn đi dạy, anh lấy cớ bận việc. 3 năm nay về hưu rồi, anh lại suốt ngày chỉ lo chim, hoa, cá cảnh. Lúc trẻ đã khó, càng già anh lại càng trái tính trái nết.
“Tôi và ổng chỉ nói đến câu thứ ba thì đã cãi vã nên tôi cũng chán, không muốn nói chuyện luôn” - chị P. nói. Lần nào chị cũng nói muốn ly hôn nhưng trong lòng luôn lo sợ. Chị chia sẻ: “Ngày xưa tôi muốn ly hôn nhưng sợ con không có cha, sợ không giành được quyền nuôi con, sợ tụi nhỏ bị chia cắt, sợ không nuôi nổi con. Vậy là ráng chịu đựng chờ con lớn. Con lớn rồi thì đứa sắp thi vào đại học, đứa thi vào lớp Mười, sợ con buồn không thi được. Con có nghề nghiệp ổn định, cưới vợ, gả chồng rồi thì không dám ly hôn vì sợ sui gia chê cười, làm gương xấu cho cháu nội, cháu ngoại”. Cứ vậy, chị mắc kẹt trong cuộc hôn nhân không niềm vui gần hết nửa cuộc đời.