Thấy gì khi gia đình 'Pam yêu ơi' bị chỉ trích

Nguyễn Trinh

Sự bùng nổ của ngành công nghiệp kidfluencer gây ra cuộc tranh cãi về những cha mẹ như Salim và Hải Long, khi để con trở thành ngôi sao mạng xã hội từ rất nhỏ.

Sau khi tham gia sự kiện của một nhãn hàng được tổ chức tại trung tâm thương mại ở TP.HCM, Salim và Hải Long - bố mẹ "hot kid" Pam (thường gọi là Pam yêu ơi) - bị nhiều người chỉ trích vì để con gái 2 tuổi khóc lớn giữa nơi tập trung hàng trăm người đang la hét.

Một số ý kiến cho rằng vợ chồng Salim đang "thương mại hóa", lợi dụng sự nổi tiếng của con để kiếm tiền. Nhiều người chỉ trích cặp đôi khi để con liên tục tham gia quảng cáo, dự sự kiện đông người, đưa quá nhiều hình ảnh của Pam lên mạng và bỏ qua cảm xúc của con.

Tuy nhiên, những người hâm mộ bênh vực cặp vợ chồng, cho rằng việc chia sẻ hình ảnh dễ thương của Pam chỉ xuất phát từ việc muốn lưu giữ kỷ niệm và lan tỏa niềm vui tới công chúng. Nhiều người cũng nhận thấy vợ chồng Salim cũng thường xuyên thể hiện sự quan tâm đến cảm xúc của con trên các video.

Quan điểm trái chiều xung quanh gia đình "Pam yêu ơi" cũng vốn là vấn đề được tranh luận trên khắp thế giới, liên quan đến xu hướng ngày càng nhiều trẻ em được cha mẹ biến thành Influencer từ khi còn rất nhỏ.

Theo tờ El Pais, kidfluencer (cụm từ ghép giữa "kid" - trẻ em, và "Influencer" - người có sức ảnh hưởng) thuộc Gen Alpha đang bùng nổ. Nhiều trong số những trẻ em có sức ảnh hưởng thuộc nhóm sinh sau năm 2010 đã sở hữu hàng triệu USD trong tài khoản và hàng tỷ người hâm mộ.

Những đứa trẻ này sớm đạt được danh tiếng nhờ mạng xã hội. Tuy nhiên, nhiều vấn đề được các chuyên gia đặt ra liên quan đến sức khỏe tinh thần của những kidfluencer cũng như mặt tối của ngành - khi nhiều đứa trẻ vô tình trở thành mục tiêu của kẻ xấu hoặc bị chính cha mẹ bóc lột sức lao động.