Mới đây, mạng xã hội xôn xao hình ảnh nam thanh niên mặc trang phục rằn ri kèm áo phao, bế một em nhỏ cười tươi rạng rỡ. Đằng sau 2 chú cháu là khung cảnh tan hoang, nhà cửa bị tàn phá do bão lũ ở một vùng miền núi.
Ngay sau khi được đăng tải, hình ảnh trên đã thu hut sự quan tâm từ cộng đồng mạng với hàng nghìn lượt bày tỏ cảm xúc, hàng trăm bình luận và rất nhiều lượt chia sẻ. Một số người không khỏi xúc động trước hình ảnh của 2 chú cháu, đồng thời hi vọng em nhỏ sớm bình yên sau bão lũ. Song nhiều người cho rằng đây là hình ảnh được dựng từ trí tuệ nhân tạo.
Được biết, đây hoàn toàn là sản phẩm dàn dựng với của AI. Nếu nhìn kỹ bức ảnh có thể nhận ra gương mặt của 2 chú cháu đều hoàn hảo, không hề có khuyết điểm trên da. Thậm chí cả hai không có vết bẩn dù "vật lộn" với nước lũ. Hơn cả, trang phục của nam thanh niên hoàn toàn không phải trang phục dã chiến của quân đội ta.
Ánh sáng, cách mô tả chất liệu, chi tiết, đổ bóng... trong bức hình cũng vô cùng rõ nét và hoàn hảo. Người trong nghề chỉ cần nhìn qua sẽ nhận ra đây là sản phẩm của AI.
Một số người thành thạo AI cho biết, sau khi họ kiểm tra bức hình trên trên một trang web thì kết quả kiểm tra AI lên tới 76%. Hoặc kiểm tra bằng công cụ sightengine cho kết quả bức hình do AI MidJourney tạo ra là 97% và khả năng do một AI tạo sinh tạo ra là 99%.
Đây không phải là lần đầu tiên bức hình do AI tạo ra xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội. Trước đó, một số tài khoản liên tục chia sẻ hình ảnh các em bé nằm trong bùn sâu, người lấm lem bùn đất, gợi ra sự thương cảm sâu sắc từ nhiều người.
Hiện vẫn chưa rõ mục đích của những người tạo ra loại nội dung này là câu view hay còn có ý đồ lợi dụng lòng thương cảm cho mục đích khác. Do đó người dùng mạng xã hội cần thông minh và tỉnh táo, lựa chọn những thông tin chính xác, tránh bị "thao túng tâm lý".