Shop Thời Trang Online Đua Nhau Bán Trang Phục Theo Phong Cách của Thầy Thích Minh Tuệ

Nguyễn Trinh

Trên mạng xã hội, nhiều cửa hàng thời trang online đồng loạt tung ra các mẫu quần áo mô phỏng theo trang phục chắp vá nhiều mảnh của thầy Thích Minh Tuệ.

Thời gian gần đây, trên khắp các nền tảng mạng xã hội xôn xao hình ảnh, video và các bài viết về “sư Thích Minh Tuệ” (tên thật là Lê Anh Tú, 43 tuổi, quê Hà Tĩnh) - người mặc áo vá đi chân đất khất thực, ngày chỉ ăn 1 bữa, không nhà cửa, không vợ con, không nơi nương tựa, không nhận tiền cúng dường,... Điều này nhanh chóng nhận được sự quan tâm, hiếu kỳ của hàng nghìn người dân.

Theo ghi nhận của PV, những ngày qua trên các sàn thương mại điện tử, hội nhóm và các nền tảng mạng xã hội xuất hiện các mẫu áo thun, mũ, đồ bộ... được thiết kế theo màu sắc trang phục của ông Minh Tuệ và nhận được săn lùng của đông đảo cư dân mạng.

Những chiếc áo thun với tên “Áo thầy Minh Tuệ” được rao bán với đa dạng các kích thước khác nhau trên khắp các nền tảng mạng xã hội. Chỉ với giá từ 50-150 nghìn đồng, chiếc áo thun được thiết kế giống trang phục của “sư Thích Minh Tuệ” trở thành sản phẩm được cộng đồng mạng săn lùng.

Trên trang “Fan thầy Thích Minh Tuệ”, chủ cửa hàng giới thiệu sản phẩm “khoác lên mình áo Pháp Minh Tuệ - hành trình lan tỏa yêu thương” hay “Trải nghiệm sự bình yên trong từng bước đi với áo Pháp Minh Tuệ”. Thậm chí, để có thể chiều lòng khách hàng, chủ cửa hàng còn chụp ảnh người mẫu mặc áo thun “thầy Minh Tuệ” kèm chiếc ruột nồi cơm điện.

Thậm chí, để có thể lôi kéo sự chú ý của khách hàng, người bán còn tạo mã giảm giá “MINHTUE10” với ưu đãi giảm 10% cho 50 người mua đầu tiên. Người bán này còn cho biết: “Một phần doanh thu từ mỗi chiếc áo sẽ được trích ra để hỗ trợ các hoạt động từ thiện, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn”.

Để thêm phần thuyết phục, chủ trang “Fan thầy Thích Minh Tuệ” còn giới thiệu loại áo này được thiết kế thanh tịnh, giản dị, nhưng đầy phong cách và mang đến cảm giác bình an và thanh thản. Đặc biệt, người này còn viết, “chất liệu vải thân thiện với môi trường, đúng như tinh thần sống giản dị và chân thật của thầy”.

Tương tự, trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tik Tok,... không khó để bắt gặp nhiều cửa hàng rao bán loại áo thun này lời quảng cáo “phù hợp với cả nam và nữ”. Thậm chí  nhiều kênh bán hàng còn nhận bán với số lượng lớn, in ấn lên áo,...và các dịch vụ khác theo yêu cầu của khách hàng.

Với việc phối màu phỏng theo trang phục của “thầy Minh Tuệ”, sản phẩm này nhanh chóng nhận được sự quan tâm của đông đảo người tiêu dùng. Trên các sản thương mại điện tử, hầu hết đều thể hiện sự yêu thích và có ý định mua hàng.

Chị Nguyễn Thị Phượng (35 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Dạo gần đây, khắp mạng xã hội có rất nhiều video về thầy Thích Minh Tuệ với y phục bắt mắt, nhiều màu sắc ấn tượng. Tôi rất bất ngờ khi thấy trên các sàn thương mại điện tử bán áo họa tiết giống thầy nên muốn mua về mặc thử. Tôi tham khảo giá ở nhiều shop và quyết định mua 3 chiếc với giá 110.000 đồng/chiếc”.

Nhiều ý kiến cho rằng việc mặc áo phỏng theo trang phục của thầy Thích Minh Tuệ không có gì sai trái hay vi phạm pháp luật. “Cách tận dụng vải thừa để làm mẫu thời trang là sáng kiến hay, giúp giảm bớt số lượng vải dư thừa mà vẫn tạo nên trang phục độc đáo. Khi mặc những chiếc áo này là cách để tôi tự nhắc nhở bản thân không làm những điều ác, làm nhiều việc thiện hơn, thể hiện sự kính trọng của tôi dành cho thầy Thích Minh Tuệ. Chắc chắn đây sẽ là xu hướng của mùa hè năm nay”,  chị Trần Tuyết Mai (40 tuổi, Hà Nội) chia sẻ. 

 

Bên cạnh đó, nhiều người lên tiếng phản đối trào lưu này. Anh Trần Văn Chiến (30 tuổi, Nam Định) nhận xét: “Việc biến những chiếc áo cà sa trân quý của các vị sư thầy thành xu hướng trang phục là việc làm vô cùng phản cảm. Theo tôi, chúng ta không nên mặc những bộ trang phục như vậy vì nó sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến hình ảnh của Phật giáo trong mắt mọi người”.

a6.jpg

Hay chị Lan Anh (29 tuổi, Phú Thọ) cũng thể hiện sự bất bình khi các bộ trang phục này được bán tràn lan trên mạng xã hội. Chị cho rằng nhiều cá nhân lợi dụng thị hiếu của công chúng, lấy danh nghĩa “lan tỏa những giá trị nhân văn, trí tuệ và từ bi” nhưng thực chất là trục lợi cá nhân. Chị cho hay: “Sản phẩm này bán ra để tạo lợi nhuận là không phù hợp, nó sẽ tạo ra tranh cãi cho mọi người và ảnh hưởng đến nét đẹp của Phật giáo”