Phụ huynh Hà Nội nặng lòng vì gia đình "chuẩn mực" nhưng không thể hiểu nổi con gái: "Giờ dạy con sao được đây?"
Rơi vào tình huống này, chắc hẳn phụ huynh nào cũng đau đầu.
Dẫu biết rằng có nhiều yếu tố đánh giá một đứa trẻ và thành tích học tập là một trong số đó. Nhưng khi con có thành tích học tập không tốt, nhiều phụ huynh sinh tâm lý chán nản, thậm chí là thất vọng vì làm đủ cách mà con vẫn không cải thiện tình hình.
Mới đây, trên một hội nhóm có gần 330.000 người theo dõi, bài đăng liên quan đến câu chuyện học hành của một nữ sinh lớp 8 nhận về nhiều sự chú ý. Người đăng bài đã chia sẻ lại đoạn tin nhắn của một người bạn có con gái đang học lớp 8. Theo người này, gia đình của người bạn thuộc diện khá "chuẩn mực", tuy nhiên, họ đang gặp phải vấn đề đau đáu với chuyện học hành của con gái.
Theo đó, người mẹ trong đoạn tin nhắn than thở về thành tích học tập của con. Nhận kết quả thi toàn điểm thấp, ví dụ: Toán 3,8 điểm, Văn 4,8 điểm và tiếng Anh 2 điểm, người mẹ vừa shock vừa chán nản. Chị cho hay ở nhà, chồng chị - tức bố của bé gái thường xuyên ngồi dạy kèm cho con gái, bên cạnh đó, gia đình cũng đầu tư cho em đi học thêm khắp nơi, nhưng tình hình vẫn không cải thiện. Con gái chị không bao giờ tập trung nghe giảng, trên lớp thì giữ thái độ thờ ơ. Chính điều đó càng khiến phụ huynh nặng lòng.
"Chẳng biết con kiểu gì nữa, giờ dạy sao được đây", người mẹ trong đoạn tin nhắn thở dài.
Bên dưới phần bình luận, phụ huynh nhiệt tình để lại quan điểm của mình. Nhiều người cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc con học tập chưa tốt, điều quan trọng là phụ huynh cần thấu hiểu con và đưa ra hướng giải quyết phù hợp.
Ngoài ra, không ít netizen bày tỏ nếu con đã không thích học thì phụ huynh nên tìm hướng khác cho con. Mỗi đứa trẻ là một cá thể đặc biệt, phụ huynh không nên nhìn thành tích của con nhà người ta mà áp lực. Có thể con không nổi trội trong việc học, nhưng biết đâu ở một lĩnh vực nào đó, con lại xuất sắc.
- Chuyện học tập của con lúc nào cũng khiến phụ huynh đau đầu. Con mình năm nay lớp 7, thi kiểm tra giữa học kỳ 1 Toán con được có 2,5 điểm. Thấy kết quả không khả quan, mình liền ngồi lại với con để nói chuyện, tâm sự và tìm nguyên nhân. Cố gắng trở thành bạn để con tự cởi mở lời. Thấy được sự chân thành của mẹ, con nói muốn đi học gia sư, thế là mình đi tìm gia sư dạy kèm 1-1 cho con. Sau 2 tháng thì con lấy lại kiến thức cơ bản và điểm số dần thay đổi tốt hơn rất nhiều.
- Mình cũng bất lực lắm. Con mình học lớp 4 gần như điểm kém nhất lớp. Tối nào bố mẹ cũng ngồi kèm cặp con học, cũng cho đi học thêm các thứ nhưng đúng thật, tất cả là do ý thức của con. Con thật sự lười học và lười viết, lúc nào cũng mặc cả bài vở. Thà là có ý thức học tập chăm chỉ nhưng học lực kém thì còn chấp nhận được, đằng này còn rất lười.
- Câu "cha mẹ sinh con, trời sinh tính" là đây. Gia đình nào cũng luôn mong con học hành giỏi giang, chăm ngoan. Nhưng năng lực con chỉ có vậy, hoặc ý thức chỉ có vậy, thì cũng đành chứ làm thế nào được. Bố mẹ cần xác định đúng năng lực của con để từ đó xác định mục tiêu sao cho phù hợp, con cũng đỡ áp lực, mà bố mẹ thì cũng giảm kỳ vọng để đỡ thất vọng. Miễn con ngoan là được. Chứ con mà hư thì coi như mất tất cả!
- Mình nghĩ mẹ thử tâm sự với con xem sao. Đừng đặt nặng vấn đề thành tích, trước hết cho con lý do vì sao con nên học, học để làm gì, con được gì khi học tốt. Đừng áp đặt quá nhiều kỳ vọng lên con. Cho con đi chơi, trải nghiệm thêm về cuộc sống ngoài kia, tiếp xúc với thực tế xã hội. Có thể con không tiến bộ ngay nhưng dần sẽ bồi dưỡng động lực học cho con.
Phụ huynh cần làm gì khi con có thành tích học tập không tốt?
Khi con em có thành tích học tập không như mong đợi, phụ huynh cần có cách tiếp cận đúng đắn để giải quyết vấn đề này. Đầu tiên, việc quan trọng là phải xác định nguyên nhân của việc học tập kém. Có thể đó là do thiếu hứng thú, phương pháp học không hiệu quả, hoặc áp lực từ gia đình và xã hội. Phụ huynh cần phải kiên nhẫn lắng nghe, quan sát và đối thoại với con để tìm hiểu rõ ràng về những khó khăn mà con đang gặp phải.
Sau khi đã hiểu rõ vấn đề, phụ huynh nên tạo dựng một kế hoạch học tập phù hợp, với mục tiêu cụ thể. Việc đặt mục tiêu có thể giúp định hình hướng đi và cung cấp động lực cho trẻ. Đồng thời, phụ huynh cần khích lệ và hỗ trợ con cái thông qua việc tạo điều kiện học tập tốt nhất, chẳng hạn như một không gian yên tĩnh, đầy đủ đồ dùng học tập và thời gian biểu hợp lý.
Ngoài ra, việc tham gia các lớp học thêm hoặc nhờ sự giúp đỡ từ gia sư cũng có thể là phương pháp hữu ích. Tuy nhiên, không nên quá lạm dụng việc này mà phải dựa vào nhu cầu thực tế và khả năng của trẻ. Học thêm cần phải đi đôi với việc tự học và tự nghiên cứu, từ đó giúp trẻ phát triển kỹ năng tự học - một yếu tố quan trọng cho sự thành công trong học tập.
Quan trọng không kém, phụ huynh cũng cần phải đảm bảo rằng con cái có một lối sống lành mạnh, bao gồm chế độ ăn uống cân đối, thời gian ngủ đủ, và hoạt động thể chất định kỳ. Sức khỏe tốt sẽ hỗ trợ tối đa cho quá trình học tập.
Cuối cùng, phụ huynh nên nhớ rằng mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt với những điểm mạnh và điểm yếu khác nhau. Việc nhận ra và chấp nhận điều này sẽ giúp phụ huynh tránh áp đặt kỳ vọng không thực tế lên con cái, thay vào đó là động viên và hỗ trợ con đạt được tiềm năng của chính mình. Sự cảm thông, kiên nhẫn và không ngừng hỗ trợ sẽ là chìa khóa giúp con em vượt qua khó khăn, phát triển toàn diện cả về kiến thức lẫn kỹ năng sống.
Theo dõi Evachoice để cập nhật thêm những thông tin mới nhất mỗi ngày!
- » Mẹ chồng luôn lôi học vấn của con dâu và gia cảnh thông gia để mỉa mai
- » Bạn trai tốt tính nhưng quá khác biệt về học vấn, gia cảnh
- » Bạn thân có bầu, chồng tôi nhận lời đóng giả bạn trai về quê ra mắt
- » Tôi ế chồng, có nên nghe lời chị dâu, nuôi cháu để về già có người phụng dưỡng?