Mẹ chồng - nàng dâu thời nay: Thương dâu như con ruột thịt của mình
Những câu chuyện cảm động lẫn bi hài mẹ chồng - nàng dâu thời nay và kinh nghiệm làm sao để gia đình tràn ngập yêu thương, trong ấm ngoài êm cho con cháu vui sống nên người.
Cuộc sống giữa mẹ chồng - nàng dâu thời nào cũng có nhiều chuyện này nọ để kể. Ngay thời hiện đại này, rất nhiều mẹ chồng - nàng dâu cùng chung sống ấm yên, hiếu thảo, nhưng cũng có không ít "cặp đôi" gặp khó khăn, bất hòa từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ nhặt khó ngờ.
Những câu chuyện cảm động lẫn bi hài mẹ chồng - nàng dâu thời nay và kinh nghiệm làm sao để gia đình tràn ngập yêu thương, trong ấm ngoài êm cho con cháu vui sống nên người...
Chập tối, bà Đào Thị Chờ (ở xã Quyết Tiến, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) lúi húi trong bếp chuẩn bị mâm cơm đầy món ngon như thịt nạc, chả rươi, canh cáy đợi con dâu đi làm về cùng ăn.
Suốt 6 năm, căn nhà chỉ có bà Chờ và con dâu Nguyễn Thị Thúy Hằng ở với nhau song lúc nào cũng rộn ràng. Người lạ nhìn vào còn tưởng là mẹ và con gái lớn chưa gả chồng...
Mẹ chồng - con dâu nương tựa bên nhau
Chị Hằng (hiện 37 tuổi) và chồng cưới nhau vào năm 2013. Không lâu sau, chồng sang Hàn Quốc xuất khẩu lao động, mãi đến 2019 mới trở về. Suốt thời gian này, chị Hằng sống chung với mẹ chồng, ít khi về nhà cha mẹ ruột.
"Tôi ở vậy một phần vì muốn chồng yên tâm, hơn nữa để tiện chăm sóc mẹ chồng. Mẹ lớn tuổi, anh chị lại ở xa nên tôi sống với mẹ chồng để chăm sóc, đỡ đần. Thật ra nếu muốn về Nghệ An ở với bố ruột thì cũng chẳng ai trách mình, vì chồng có ở gần đâu", chị trải lòng.
Kinh doanh dịch vụ làm đẹp và bán hàng online nên chị đi làm cả ngày, tối mới về phụ mẹ chồng dọn dẹp nhà cửa. Trước khi làm dâu, chị cũng từng sợ cảnh "mẹ chồng - con dâu". Nhưng sau đó, chị lại xúc động vì cảnh đó là... nhà người ta, còn mẹ chồng chị thương dâu như con ruột.
Là người Trung ra Bắc làm dâu, chị Hằng phải học hỏi nhiều để thích nghi, song may mắn có mẹ chồng thương yêu nên mọi việc đều yên ấm.
Mỗi dịp rằm hay lễ, Tết, người mẹ chồng 65 tuổi lại đi chùa cầu may, xin lộc cho con dâu. Đi đâu xa là bà mua đặc sản đem về cho dâu ăn thử. Biết con dâu không thích thịt mỡ, bà hạn chế nấu loại này dù thích ăn.
Đổi lại nàng dâu xứ Nghệ cũng thương mẹ chồng hết mực. Thấy dép mẹ cũ, quần áo bạc màu, chị liền mua cái mới.
Vào sinh nhật mẹ, mà cũng có khi chẳng phải dịp gì, chị Hằng tặng mẹ chồng khi thì dây chuyền, lúc là vòng tay nho nhỏ. Ngày nào rảnh, chị tranh thủ đi siêu thị mua đồ về nấu gà tiềm thuốc bắc bồi bổ cho mẹ đã cao tuổi.
Bao năm sống chung, mẹ chồng con dâu này chưa từng to tiếng với nhau. Hễ ai hỏi về dâu, bà Chờ không ngớt lời khen. "Cháu nó sai thì tôi chỉ nhắc nhở chứ không la mắng khắt khe làm gì. Mẹ con cũng hiểu nhau nên Hằng không để bụng bao giờ", bà Chờ tâm sự.
Thời điểm chồng vắng nhà suốt 6 năm, lại chưa có con cái ràng buộc, nhiều người bảo chị Hằng còn trẻ sao không đi tìm người khác, ở vậy chả khác nào "hai bà góa ở với nhau".
Bỏ ngoài tai, chị vẫn ngày ngày chờ chồng và sớm đã coi bà Chờ như mẹ ruột. Thấy con dâu nhiều đêm khóc nhớ chồng, bà Chờ lại an ủi con đợi ngày sum họp gia đình. 11 năm làm dâu bà Chờ, đến nay chị Hằng vẫn thấy mình may mắn...
Vui vẻ làm dâu xứ người
Tương tự chị Nguyễn Thị Hoàng Oanh (41 tuổi, quê Nha Trang, Khánh Hòa) cũng thuận hòa mẹ chồng nàng dâu khi trở thành con dâu của một gia đình tận xứ Bắc Âu.
Kết hôn với chồng người Đan Mạch đã hơn 4 năm, vợ chồng chị Oanh cùng hai con nhỏ hiện đang sống tại thành phố Vejle của nước này. Dù sống riêng với nhà chồng, chị cho hay mình may mắn có mẹ chồng yêu thương, đối xử vô cùng tử tế.
Nhà chồng ở Copenhagen, thủ đô Đan Mạch, cách một hai tháng vợ chồng chị lại sang thăm cha mẹ chồng, hoặc ngược lại, bà đi tàu ba tiếng sang thăm gia đình con dâu người Việt.
Bà Vibeke Zoffmann (75 tuổi), mẹ chồng chị Oanh, có căn nhà summer house ngay bờ biển. Thi thoảng, vợ chồng chị và cha mẹ chồng cùng đến nghỉ ở nhà đó vài ngày. Đó là khoảng thời gian mà chị Oanh có cảm giác làm dâu khi sống chung với gia đình chồng.
Theo chị, ở Đan Mạch thường nhà chồng không mong đợi con dâu phải làm hay đạt điều gì. Mẹ chồng chị cũng không áp đặt con dâu vào khuôn khổ nào, cũng chẳng cần con phải theo kiểu công dung ngôn hạnh, nữ công gia chánh.
"Em gái tôi cũng lấy chồng người Đan Mạch, mẹ chồng tôn trọng và không can thiệp vào cuộc sống riêng của vợ chồng con trai", chị nói và cho hay dù mẹ chồng Việt hay nước ngoài cũng sẽ có người này người kia, "nhưng nếu thương dâu như con ruột, đối xử tử tế thì con dâu cũng đối lại hết lòng, mọi thứ sẽ nhẹ nhàng với nhau hơn".
Bà Vibeke Zoffmann là giáo sư giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở một trường đại học, mới nghỉ hưu hơn năm nay. Bà được con dâu nhận xét thích làm việc, nghiên cứu nên dù lớn tuổi tư duy vẫn khá văn minh, cởi mở.
Sau khi nghỉ hưu, bà có nhiều thời gian tận hưởng cuộc sống và nhiều thú vui mới. Một trong những sở thích mới của bà là học vẽ tranh, và tác phẩm đầu tiên của bà là bức vẽ cô con dâu người Việt dựa trên tấm hình chị Oanh chụp ở Paris. "Hôm trước đi sinh nhật mừng mẹ 75 tuổi mà tôi là người nhận được quà, xúc động vô cùng", chị Oanh hạnh phúc chia sẻ trên Facebook.
Biết ơn con dâu theo chồng, phải xa quê hương
Nhiều năm làm dâu, giữa chị Oanh và mẹ chồng hầu như chưa có mâu thuẫn gì. Nếu có cũng nhanh chóng được giải quyết sau khi mẹ con ngồi lại nói chuyện với nhau.
Có lần sang thăm, bà Vibeke đề xuất chị Oanh nên nói tiếng Đan Mạch với cậu con trai 3 tuổi để luyện phát âm, học từ vựng, thay vì sử dụng tiếng Việt. "Nhưng tôi bảo con chỉ nói tiếng Việt với con của con để giữ cho nó khi về Việt Nam còn nghe hiểu nhà ngoại nói gì. Tôi giải thích vậy thì mẹ vui vẻ bảo hợp lý nên cứ cho giữ như vậy", chị kể.
Trong việc nuôi dạy con cái, không chỉ Đan Mạch mà nhiều nơi ở phương Tây thường có khái niệm con ai nấy nuôi. Người khác, kể cả ông bà nội ngoại, nếu có ý kiến mà cha mẹ đứa trẻ thấy không hợp có thể từ chối làm theo, đó là chuyện bình thường.
Không chỉ thương dâu, bà Vibeke còn tinh tế với sui gia. Chị Oanh kể sau khi cưới và sống tại Vejle một năm, chị về Nha Trang thăm gia đình.
Biết bà sui người Việt không đọc được tiếng nước ngoài, bà Vibeke viết một đoạn bằng tiếng Đan Mạch rồi nhờ con dâu dịch sang tiếng mẹ đẻ. Sau đó, dù không hiểu mặt chữ, bà Vibeke vẫn nắn nót viết từng câu tiếng Việt lên tấm thiệp, kèm một sợi chuỗi bằng đá.
"Trong thiệp, mẹ chồng cảm ơn mẹ tôi vì đã đồng ý cho con gái theo chồng ở nơi xa để bà được gần con mình, còn mẹ tôi thì phải sống xa con, rồi nhờ tôi về nước đưa mẹ ruột đọc", chị Oanh xúc động tâm sự.
Bà Vibeke luôn cảm thấy biết ơn khi con dâu chấp nhận theo chồng và thiệt thòi vì sống xa quê hương, chứ bà không có lối suy nghĩ "gái lấy chồng, phải theo chồng là hiển nhiên". "Mẹ luôn dặn chồng phải đối xử tốt, bù đắp cho tôi", chị Oanh vui vẻ tâm sự thêm mình cũng luôn dặn lòng phải là một nàng dâu Việt thật tốt với mẹ chồng.