Trước khi mất, mẹ vẫn minh mẫn lo liệu ổn thỏa cuộc đời tôi, khiến con rể cũng phải tâm phục khẩu phục

Thiên Nhi

Nghe chồng phân tích xong mà tôi ngỡ ngàng, lòng tràn đầy biết ơn mẹ.

Tôi là một nhân viên văn phòng bình thường. Tôi kết hôn với anh Cường đã được 3 năm. Cuộc sống của chúng tôi cứ thế trôi qua một cách đều đặn, đi làm rồi về nhà, thỉnh thoảng cuối tuần đi xem phim hoặc về nhà bố mẹ chồng ăn cơm.

Mẹ tôi là một người phụ nữ bất hạnh. Hơn chục năm trước, bố tôi qua đời vì bệnh, mẹ một mình nuôi tôi khôn lớn. Bà đã phải chịu đựng rất nhiều khổ cực nhưng chưa bao giờ oán trách một lời. Sau đó, mẹ gặp được chú Lưu, một người đàn ông điềm đạm, tốt bụng và rất yêu thương mẹ. Sau một thời gian tìm hiểu, hai người quyết định đi bước nữa. Thành thật mà nói, tôi rất mừng cho mẹ, bởi vì những năm qua bà đã quá vất vả rồi.

Chú Lưu có một người con trai tên là Hào, hơn tôi vài tuổi và đã ra ngoài xã hội lập nghiệp. Anh ấy là một người tốt, rất hiếu thảo với mẹ tôi, mỗi lần về nhà đều mua quà cáp. Hai gia đình chúng tôi không sống chung, quan hệ khá hòa thuận, những dịp lễ Tết đều qua lại thăm hỏi.

Món quà bí mật

Mùa hè năm ngoái, mẹ gọi tôi đến nói chuyện. Lúc đó tôi cũng thấy lạ, tự hỏi không biết mẹ muốn nói gì với mình. Mẹ nắm lấy tay tôi, nghiêm mặt nói: “Mai à, mẹ và chú Lưu đã bàn bạc kỹ lưỡng, quyết định để lại toàn bộ tài sản cho con”.

Nghe đến đây, tim tôi như thắt lại, sững người. Tôi vội vàng nói: “Mẹ, không được đâu! Tài sản của mẹ và chú Lưu sao có thể cho con hết được? Vả lại, anh Hào thì sao?”.

Mẹ thở dài nói với tôi rằng sức khỏe của mẹ ngày càng yếu. Chú Lưu cũng có tuổi rồi. Hai người đã bàn bạc kỹ mới quyết định. Anh Hào đã trưởng thành, tự lo được cho bản thân, còn tôi thì sau khi mẹ mất đi, chẳng còn chỗ dựa nữa nên mẹ muốn để lại hết tài sản cho tôi, có nhà, có tiền thì vẫn hơn.

Nghe mẹ nói mà tôi ứa nước mắt, đồng ý với quyết định của mẹ để bà yên lòng. Mẹ tiếp tục yêu cầu tôi giữ bí mật với anh Cường - chồng tôi. Bà không muốn chuyện này ảnh hưởng đến cuộc hôn nhân của chúng tôi. Lúc đó, trong lòng tôi nghĩ thầm: “Làm sao giấu được chuyện lớn như thế này?”. Nhưng vì không muốn mẹ lo lắng, tôi gật đầu.

Tôi đã thử thăm dò chồng vài lần, anh ấy dường như không quan tâm lắm đến chuyện này, chỉ cười nói: “Mẹ cho thì cứ cầm lấy, đó là tấm lòng của bà mà”. 

Thời gian thấm thoát, đã một năm rưỡi trôi qua. Trong khoảng thời gian này, sức khỏe của mẹ tôi ngày càng giảm sút, thường xuyên phải nhập viện. Tôi và chồng thay phiên nhau chăm sóc mẹ, mỗi lần nhắc đến chuyện tài sản, mẹ đều lảng tránh.

Trước khi mất, mẹ vẫn minh mẫn lo liệu ổn thỏa cuộc đời tôi, khiến con rể cũng phải tâm phục khẩu phục - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Bài học cuối của mẹ

Cho đến một ngày, chú Lưu tìm đến tôi. Trông chú có vẻ mệt mỏi, ánh mắt chất chứa một nỗi bất lực: “Sức khỏe của mẹ con ngày càng yếu, dạo gần đây bà ấy cứ trăn trối chuyện hậu sự. Chú nghĩ, hay là con cứ nói cho chồng con biết chuyện chú và mẹ để con thừa kế hết tài sản đi. Mẹ con không muốn chuyện này làm ảnh hưởng tới hôn nhân của con. Lỡ sau này chồng con biết chuyện, lại cho rằng mẹ và chú lén lút cho con vì đề phòng con rể, thế thì căng thẳng lắm. Nếu chồng con không đồng ý thì chú và mẹ vẫn có thể chia đôi, có cả phần chồng con nữa”.

Khi tôi nói lại với mẹ, mẹ tôi thở phào nhẹ nhõm. Tảng đá trong lòng cuối cùng cũng được trút bỏ. Những ngày sau đó, vợ chồng tôi cùng nhau chăm sóc mẹ, đồng hành cùng bà trên những chặng đường cuối cùng của cuộc đời. Mẹ tôi ra đi thanh thản, không còn gì hối tiếc.

Lo liệu hậu sự cho mẹ tôi xong thì chú Lưu và anh Hào cùng nhau bàn bạc về chuyện phân chia tài sản. Anh Hào nói anh không cần số tài sản này, chỉ cần tôi sống tốt, hiếu thuận với bố và sau này chịu khó chăm sóc mộ phần cho 2 người là được.

Gia đình anh Hào ở thành phố, ít khi về quê nên anh không chăm lo được cho ông bà và mộ phần tổ tiên, việc này đành phải nhờ tôi.

Vợ chồng tôi đều nói đó là việc chúng tôi nên làm. Việc chia tài sản thừa kế được thực hiện trong êm đẹp và đồng thuận.

Sau đó, có một buổi tối, tôi và chồng ngồi nói chuyện với nhau. Chồng tôi bảo, mẹ em cuối đời vẫn rất minh mẫn và sáng suốt. Chồng hỏi tôi có biết tại sao mẹ lại quyết định để hết tài sản cho tôi và muốn dò hỏi ý kiến của con rể không? Vì bà đang lo cho tương lai của tôi.

Bà muốn cảnh cáo con rể rằng: Đối xử tốt với con gái tôi thì sau này sẽ có phần, còn nếu không tốt thì con gái tôi vẫn có nhà cửa, tiền bạc, có nơi quay về, có chỗ chống lưng, không sợ gì hết. 

Bà đã dạy cho chồng tôi biết phải trân trọng tình cảm gia đình.

Nghe chồng phân tích xong mà tôi ngỡ ngàng, lòng tràn đầy biết ơn mẹ. Đúng vậy, mẹ tôi rất sáng suốt. Bà đã dùng cách riêng của mình để dạy cho chúng tôi cách đối mặt với những biến cố và khó khăn trong cuộc sống. Tôi sẽ mang theo tình yêu thương và lời dạy bảo của mẹ để tiếp tục bước tiếp.