Thẻ căn cước mở lối cho nhân khẩu đặc biệt

Nguyễn Trinh

Sau khi được công an thu thập thông tin và các dấu hiệu sinh trắc học để cấp thẻ căn cước, nhiều người thuộc nhân khẩu đặc biệt tại Cơ sở bảo trợ xã hội người tàn tật Hiệp Bình Chánh (P.Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức, TP.HCM) bật khóc vì hạnh phúc.

Xác định nhân khẩu đặc biệt là đối tượng cần được quan tâm, hỗ trợ kịp thời, lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an TP.HCM đã thực hiện "Hành trình đi tìm định danh số cho người yếu thế" với phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau".

Quá vui mừng vì làm nhanh gọn

Sáng 4.8, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH (PC06) Công an TP.HCM phối hợp Cục Cảnh sát QLHC về TTXH (C06) Bộ Công an, Sở LĐ-TB-XH tổ chức cấp thẻ căn cước (TCC) cho 117 nhân khẩu đặc biệt đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Cơ sở bảo trợ xã hội người tàn tật Hiệp Bình Chánh (viết tắt Cơ sở BTXHNTT-HBC) thuộc P.Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức. Các nhân khẩu đặc biệt tại đây đa phần là những người mồ côi, khuyết tật. Với họ, cơ sở này đã trở thành mái nhà thứ hai, là nơi chăm sóc, nuôi dưỡng, bù đắp cho những thiếu thốn về vật chất và tinh thần.

Thẻ căn cước mở lối cho nhân khẩu đặc biệt- Ảnh 1.

Ở mỗi bước thu thập thông tin sinh trắc học của nhân khẩu đặc biệt luôn có 2 cán bộ công an hỗ trợ

Thảo Nhân

Từ 7 giờ 30, gần 20 cán bộ PC06 Công an TP.HCM, Công an TP.Thủ Đức, Công an P.Hiệp Bình Chánh kiểm tra máy móc, sẵn sàng thực hiện thu thập thông tin cấp TCC cho 117 nhân khẩu đặc biệt tại Cơ sở BTXHNTT-HBC. Đúng 8 giờ, những người đầu tiên được hỗ trợ hướng dẫn đến khu vực làm TCC.

Mỗi tổ thu thập thông tin cấp TCC có 5 - 6 cán bộ công an hỗ trợ nhân khẩu đặc biệt thực hiện chụp hình, thu thập mống mắt, lăn tay. Khi nghe gọi tên, mỗi người tiến tới khu vực lăn tay và thu thập mống mắt rồi được hướng dẫn ngồi vào vị trí chụp ảnh chân dung. Luôn có cán bộ công an đứng hỗ trợ chỉnh trang, hướng dẫn trong trường hợp cần thiết.

 
 
 

Bật khóc ngày làm thẻ căn cước: ‘Mừng hết lớn luôn'

Do thông tin về các nhân khẩu đặc biệt đã được Công an P.Hiệp Bình Chánh xác minh, tích hợp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo tiêu chuẩn "đúng - đủ - sạch - sống" nên việc thu thập thêm thông tin nhân dạng, sinh trắc học diễn ra rất nhanh gọn, trong khoảng chưa đầy 5 phút.

Theo trung tá Nguyễn Thị Hồng Châu, Đội trưởng Đội 2 (PC06), trong quá trình thực hiện thu thập thông tin không tránh khỏi trường hợp các nhân khẩu đặc biệt bị kích động, lo lắng. Với tinh thần "vì dân phục vụ", "không để ai bị bỏ lại phía sau", lực lượng công an luôn cố gắng tạo không khí vui vẻ, thoải mái, trấn an những người này, đảm bảo quá trình thu thập thông tin diễn ra thuận tiện.

Bật khóc khi được làm TCC

Ông Huỳnh Công Viễn (52 tuổi) là một trong những nhân khẩu đặc biệt tại Cơ sở BTXHNTT-HBC được làm thủ tục cấp TCC. Không may mắn như những người khác, ông Viễn sinh ra với một cơ thể khiếm khuyết. Ông nghẹn ngào: "Tôi bị bỏ ở thùng rác, các sơ thấy rồi đem tôi về nuôi".

Thẻ căn cước mở lối cho nhân khẩu đặc biệt- Ảnh 2.

Ông Huỳnh Công Viễn nghẹn ngào khi chia sẻ về hoàn cảnh của bản thân

 

Trong cuộc trò chuyện với PV Thanh Niên, ông Viễn nhiều lần nấc nghẹn, nói xin lỗi khi không thể kể rành mạch về hoàn cảnh của mình: "Lúc nhỏ ở với các sơ, sau này, các sơ mất rồi, tôi mới phải nương thân ở đây". Với hoàn cảnh éo le như vậy, ông không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào. Mãi đến năm 2009, khi quyết định xin nương nhờ ở Cơ sở BTXHNTT-HBC, ông Viễn mới được các cán bộ hỗ trợ làm giấy khai sinh, được Công an P.Hiệp Bình Chánh cấp mã số định danh để thực hiện thủ tục cấp TCC. Gần quá nửa đời người, lần đầu tiên trực tiếp gặp các cán bộ công an để làm TCC, ông Viễn bày tỏ hạnh phúc, liên tục nói: "Mừng hết lớn luôn".

Nắm chặt tay chúng tôi, bà Trần Thị Điệp (69 tuổi, quê Bến Tre) nói trong nước mắt: "Đời tôi chỉ có một mình thôi, không có giấy tờ gì hết". Bà Điệp kể bà sinh ra trong một gia đình nghèo ở Bến Tre, bố mẹ mất sớm. Đến tuổi thiếu niên, bà theo chân hàng xóm lên TP.HCM với hy vọng thoát nghèo. Thế nhưng, cuộc sống ở chốn thị thành không như bà mơ ước. Cuộc sống của bà Điệp gắn liền với "3 không": không người thân, không nhà cửa, không giấy tờ tùy thân, phải làm đủ nghề để kiếm sống.

May mắn, bà gặp được một người hảo tâm, nhận làm chị em kết nghĩa rồi đưa về sinh hoạt tại gia đình ở Q.4. Tuy nhiên, tuổi cao, sức yếu, lại mắc bệnh tiểu đường nặng, sợ thành gánh nặng của người chị kết nghĩa nên bà Điệp xin vào Cơ sở BTXHNTT-HBC từ năm 2013. Từ khi vào cơ sở này, bà Điệp được hỗ trợ làm giấy khai sinh, mua thẻ bảo hiểm y tế, được chăm sóc và hưởng nhiều quyền lợi đặc biệt.

Khi nghe tin cán bộ công an sẽ xuống tận cơ sở để thu thập hồ sơ làm TCC, bà Điệp đã rất mong chờ. Dù phải xếp hàng chờ đợi, ưu tiên cho nhiều trường hợp yếu thế khác, nhưng bà Điệp cho biết không thấy mệt mỏi hay phiền lòng. "Nhờ các cán bộ công an hỗ trợ cho chị em chúng tôi có giấy tờ tùy thân, có TCC. Được làm công dân VN, chị em chúng tôi vui mừng lắm", bà Điệp khóc nức nở.

"Hành trình đi tìm định danh số cho người yếu thế"

Cấp TCC cho nhân khẩu đặc biệt là nội dung có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Kế hoạch số 1878/KH-BCĐ ngày 20.4.2023 của Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 06 TP.HCM về việc phối hợp thực hiện công tác thu thập dữ liệu dân cư, cấp định danh cá nhân, giải quyết cư trú và cấp căn cước công dân (CCCD), TCC đối với các trường hợp thuộc diện nhân khẩu đặc biệt trên địa bàn thành phố.

Nhân khẩu đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn không nơi nương tựa, trẻ mồ côi, người khuyết tật… hiện đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các trung tâm bảo trợ xã hội. Vì nhiều lý do nên họ không có giấy tờ tùy thân, gây khó khăn trong công tác quản lý cũng như thực hiện thủ tục hành chính.

Theo trung tá Nguyễn Thị Hồng Châu, việc cấp TCC có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với nhân khẩu đặc biệt, giúp họ tự tin trở thành một người công dân thực thụ. "Ngoài ra, việc cấp TCC tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan nhà nước, đặc biệt là triển khai thực hiện các chính sách an sinh xã hội được thuận lợi và dễ dàng hơn cho những nhân khẩu đặc biệt", trung tá Châu nhấn mạnh.

Đội trưởng Đội 2 (PC06) cho hay trong thời gian qua, PC06 tích cực phối hợp các trung tâm bảo trợ xã hội, Sở LĐ-TB-XH để cấp CCCD, TCC cho những người yếu thế tại các cơ sở như Trung tâm điều dưỡng người bệnh tâm thần TP.Thủ Đức hay các trung tâm bảo trợ người già, người tàn tật khác trên địa bàn TP.HCM.

"Đặc biệt, chúng tôi cũng triển khai lực lượng đến tận các cơ sở cai nghiện trên địa bàn thành phố để cấp CCCD, TCC cho người đang cai nghiện", trung tá Châu nói và chia sẻ thêm sau 1 năm thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, Công an TP.HCM cấp gần 2.000 CCCD và TCC cho những người yếu thế trên địa bàn thành phố.

Về công tác cấp TCC cho người dân thành phố, theo thượng tá Hồ Thị Lãnh, Phó trưởng PC06, Công an TP.HCM đã thực hiện "Hành trình đi tìm định danh số cho người yếu thế" với phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau", góp phần đưa Đề án 06 của Chính phủ gần hơn, thiết thực hơn với đời sống của nhân dân.

Khi nào công dân đi làm TCC ?

Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải, Phó trưởng PC06, Công an TP.HCM, cho hay có 3 trường hợp bắt buộc phải làm thủ tục cấp, đổi TCC là công dân đủ 14 tuổi chưa từng được cấp TCC hoặc thẻ CCCD; công dân đã có thẻ CCCD nhưng hết thời hạn sử dụng và công dân đã có chứng minh nhân dân (CMND).

Phó trưởng PC06 cho biết theo luật Căn cước 2023, đến hết ngày 31.12.2024, CMND 9 số không còn giá trị sử dụng. "Do đó, những công dân đang sử dụng CMND 9 số nên sắp xếp thời gian đi làm TCC để đảm bảo thuận tiện cho việc thực hiện các thủ tục, giao dịch sau này", thượng tá Hải nói.

Trường hợp thẻ CCCD đã được cấp trước ngày 1.7.2024 vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn ghi trên thẻ. Tuy nhiên, khi CCCD của người dân chưa hết hạn sử dụng nhưng người dân vẫn có nhu cầu làm TCC thì cơ quan chức năng vẫn thu nhận hồ sơ cấp TCC.

Về giá trị sử dụng của CCCD, CMND trong thời gian chờ cấp TCC, Phó trưởng PC06 cho biết thực hiện theo quy định tại khoản 3, điều 25 luật Căn cước 2023, trong thời gian chờ nhận TCC, người dân vẫn sử dụng CCCD để giao dịch như bình thường. "Khi nào người dân lên trụ sở công an để nhận TCC, chúng tôi sẽ tiến hành thu hồi CCCD, CMND đúng như quy định. Tuy nhiên, công dân VN đã được cấp TCC phải thực hiện thủ tục cấp đổi TCC khi đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi", thượng tá Hải nói.

Theo thượng tá Nguyễn Ngọc Hải, nếu người dân TP.HCM gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác đăng ký, quản lý cư trú, cấp, quản lý CCCD hoặc đã liên hệ công an địa phương mà chưa được, thì có thể phản ánh qua đường dây nóng 0693187111.

Điều kiện cấp TCC cho nhân khẩu đặc biệt

Trung tá Hoàng Tuấn Hải, Trưởng công an P.Hiệp Bình Chánh, cho biết các nhân khẩu đặc biệt cần phải có giấy khai sinh, đã được cấp mã số định danh thì mới đủ điều kiện đăng ký cấp TCC.

Để hỗ trợ, Công an P.Hiệp Bình Chánh thường xuyên triển khai các tổ công tác xuống Cơ sở BTXHNTT-HBC để lấy dấu vân tay, thu thập thông tin. Sau khi lấy dấu vân tay, Công an P.Hiệp Bình Chánh sẽ tra cứu tàng thư tại Công an TP.HCM, tìm thông tin lai lịch của từng trường hợp. Với những trường hợp có thông tin, Công an TP.Thủ Đức tiến hành làm sạch dữ liệu và cấp TCC ngay trong đợt đầu tiên. Đối với những trường hợp không có giấy tờ tùy thân thì công an sẽ gửi thông tin sang ngành tư pháp để xác minh.

"Những trường hợp có giấy khai sinh sẽ được làm sạch dữ liệu, cấp mã định danh, sau đó cấp TCC. Những trường hợp hoàn toàn không có thông tin sẽ được bên tư pháp UBND P.Hiệp Bình Chánh cấp giấy khai sinh mới, họ sẽ lấy theo họ của giám đốc trung tâm để có giấy tờ tùy thân", trung tá Hải nói.

Công an TP.Hà Nội làm đến đêm, đến hết việc để thu nhận hồ sơ cấp TCC

Theo thống kê của C06 (Bộ Công an), tính đến ngày 1.8, tức sau 1 tháng luật Căn cước 2023 chính thức có hiệu lực, công an đã thực hiện cấp TCC gắn chip cho hơn 2,195 triệu công dân trên toàn quốc, trong đó có hơn 736.000 trường hợp công dân từ đủ 14 tuổi.

Luật Căn cước 2023 quy định thẻ CCCD đã cấp trước đó vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn in trên thẻ, do vậy người dân không cần thiết phải đổi sang TCC mới, trừ khi có nhu cầu cấp đổi. Đối với những trường hợp đặc biệt như người già, yếu, khuyết tật… không thể đến trực tiếp địa điểm làm thủ tục cấp TCC thì điều 6 Thông tư 17/2024/TT-BCA quy định rất rõ về các biện pháp hỗ trợ. Cụ thể, các trường hợp già yếu, bệnh tật, tai nạn, khuyết tật và các trường hợp đặc biệt khác sẽ được về tận chỗ ở để thu nhận hồ sơ, dữ liệu làm TCC nếu cơ quan quản lý căn cước có đủ điều kiện về phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật và nhân lực thực hiện.

Tại TP.Hà Nội, công an các đơn vị vẫn đang tăng cường lực lượng làm đến đêm, đến hết việc để thu nhận hồ sơ cấp TCC cho công dân. Theo lãnh đạo PC06 (Công an TP.Hà Nội), hiện nhu cầu cấp TCC phần lớn là trẻ em thuộc diện mới được quy định được cấp thẻ trong luật Căn cước, vì nhu cầu đi lại.

Đối với những trường hợp đặc biệt như người già yếu, khuyết tật… lãnh đạo PC06 cho hay trước đây vẫn có những tổ công tác đến tận nhà để cấp lưu động, song thời điểm hiện tại chưa áp dụng vì một số thiết bị thu nhận dữ liệu chưa đáp ứng được tính lưu động, ví dụ như cabin thu nhận giọng nói. Lãnh đạo PC06 Công an TP.Hà Nội cho biết đang chờ hướng dẫn thêm từ Bộ Công an và sẽ triển khai cấp TCC lưu động cho những công dân diện này trong thời gian tới, trước mắt những người này có thể dùng thẻ CCCD đến hết thời hạn ghi trên thẻ.