Những điều "vô lý" trong cuộc hôn nhân của Hằng Du Mục: Khi tình yêu thương vượt xa giới hạn 2 từ "huyết thống"
Điều chúng ta thấy dưới mớ hỗn độn, đổ vỡ kia là tình yêu thương – thứ tình yêu không xuất phát từ ruột thịt, máu mủ.
Câu chuyện Hằng Du Mục bị chồng bạo hành đang được rất nhiều người quan tâm. Xinh đẹp, được ví như "chiến thần chốt đơn", sở hữu nền tảng kinh doanh bao người mơ ước, tài giỏi trên thương trường nhưng Hằng lại "thua" trong chính căn nhà mình đã từng rất hạnh phúc.
Tạm nén lại những khoảnh khắc xót xa, đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần vì kẻ thủ ác cũng bị pháp luật trừng trị, điều chúng ta thấy dưới mớ hỗn độn, đổ vỡ kia là tình yêu thương – thứ tình yêu không xuất phát từ ruột thịt, máu mủ.
Đầu tiên là tình yêu của những đứa trẻ bắt đầu biết dùng sự trưởng thành để chữa lành tuổi thơ. Ngoài những vết tích trên người Hằng Du Mục, có lẽ câu nói sát thương và nhức nhối nhất lại chính là từ Dịch Dương – con trai riêng của Tôn Bằng: "Lúc ông làm mẹ tôi bị thương, tôi còn nhỏ và chỉ dám đứng trốn sau cánh cửa nhìn ông". Cú đỡ đòn cho dì là 1 hành động phản kháng và tự vệ chính đáng sau rất nhiều năm cậu bé kìm nén. Và đứa trẻ trải qua 1 tuổi thơ tổn thương ấy đã biết vùng lên để bảo vệ người phụ nữ bất hạnh như mẹ mình.
Vẫn là 1 tiếng dì, 2 tiếng gọi dì nhưng đối với Nhất Dương và Dịch Dương, Hằng Du Mục chẳng khác nào mẹ. Cô đã yêu thương và chăm sóc các con của chồng như con mình đẻ ra. Đối với những đứa trẻ, dù 7 tuổi hay 17 tuổi thì chúng luôn cảm nhận được tình yêu và sự quan tâm của cha mẹ, người thân dành cho chúng. Và sự bảo vệ dì Hằng của Dịch Dương như 1 phản xạ rất tự nhiên xuất phát từ lòng biết ơn cùng khát khao thay đổi thói quen bạo lực của bố.
Tôn Bằng sắp thất bại hôn nhân lần thứ 3, nguyên nhân có lẽ ai cũng hiểu. Nhưng sự thất bại lớn nhất và mất mát nhất với người đàn ông này là niềm tin yêu của các con. Không có sự bạo lực nào tồn tại được mãi, không có con người nào mình đồng da sắt cam chịu được mãi. Điều đáng sợ không phải những cú đấm, đạp, tác động của kẻ mạnh lên người kẻ yếu mà điều đáng sợ chính là những người yếu thế biết hợp sức cùng nhau, nó sẽ trở thành 1 sức mạnh vô cùng lớn.
Một nhân vật mà được nhiều người nhắc đến hôm nay là bố đẻ của Hằng Du Mục – người đàn ông đang đau đáu hướng về đứa con gái nơi phương xa với sự lo lắng và trăn trở. Dưới bài đăng của con gái, ông chỉ để lại vài chữ ngắn gọn: "Con phải chườm thật nhiều nước đá".
Không gặp con rể nhiều nhưng ông rất cởi mở và đón nhận 2 cháu "ngoại" không do con gái mình sinh ra. Trong bức ảnh thân thiết của 3 ông cháu được bố Hằng Du Mục đăng trên trang cá nhân, ông có viết: "Cảm ơn 2 con, ông đã không nhìn nhầm".Không còn ranh giới hay giới hạn bởi 2 từ huyết thống, thứ đem họ xích lại gần nhau, gắn kết với nhau chính là tình yêu thương.
Chắc hẳn chẳng có mấy bố mẹ nào muốn con đi lấy chồng xa, chồng lớn tuổi lại có con riêng. Nếu cô gái ấy phải bao dung 1 thì có lẽ bố mẹ cô ấy sẽ bao dung 10. Họ phải học cách yêu thương cả những đứa cháu không ruột thịt với mình. Vì tình yêu của con gái họ, họ chọn cách tin tưởng và hy vọng.
Có câu, hãy đối xử với người khác theo cách mà bạn muốn họ đối xử với bạn. Hãy cho đi rồi sẽ được nhận lại, hãy gieo hạt rồi sẽ được cả rừng cây. Đứng trước sóng gió cuộc đời, bất hạnh, đổ vỡ, thay vì than vãn, oán trách, hãy nhìn vào những thứ tích cực bạn sẽ tìm thấy lối ra. Người thông minh sẽ biết trân trọng nửa chai nước trước mặt lúc họ đang khát chứ không phải ỉ ôi "tại sao chỉ còn nửa chai".
Sau cuộc hôn nhân này, Hằng Du Mục được và mất gì? Chắc hẳn người thông minh như cô ấy sẽ không mất thời gian ngẫm nghĩ sao mình xinh đẹp, độc lập tài chính mà số phận lại bất hạnh như thế. Cuộc ly hôn này với Hằng Du Mục chẳng khác nào rũ bỏ được "gánh nặng", đập tan xiềng xích. Thứ cô ấy có được là sự nghiệp tự tay cô ấy gây dựng, 4 đứa con hiểu chuyện, thương mẹ và vòng tay người thân yêu đang sẵn sàng chào đón cô ấy trở về.
Vậy nên, đừng ai thương hại cho Hằng Du Mục bởi sau tất cả, bước qua đổ vỡ, cô ấy nhận được nhiều hơn là mất.