Mắc kẹt trong cơn lũ
Nước lũ đã ngoạm lấy chân Lim, lạnh buốt.
Lim bị lay dậy lúc 0 giờ khi vẫn còn men rượu. Mở mắt ra đã thấy nước lênh láng khắp nơi, ngập đến tận thành giường. Mừng đang lội bì bõm trong nhà, ghép những cây chuối lại thành bè. Bố Mừng vừa bê mấy bao thóc lên giường vừa bảo:
- Dậy đi cháu ơi. Lũ sẽ dâng cao đấy không còn thời gian để ngủ đâu.
- Nước ở đâu mà lắm thế này? Lúc tối nhà cửa vẫn còn khô ráo vậy mà…
- Lũ ở đây như giặc. Chợp mắt cái là đã dồn dập bao vây, là cô lập giữa bốn bề nước lớn, chẳng biết chạy đi đâu.
Giọng ông cụ như cũng ướt sũng nước. Hổn hển bê chiếc ti vi cũ từ đời tám hoánh đặt lên giường. Chỗ Lim ngồi bị thu hẹp dần. Đồ đạc chất đống, toàn thứ chẳng đáng tiền nhưng lại là cả gia tài nhà Mừng. Nên chỗ khô ráo nhất cũng dành để đồ, còn người thì dầm mình dưới nước. Bố Mừng hô hoán mọi người khênh đôi lợn giống và đàn chó lên giường. Đàn ngan nhỏ được cho vào lồng rồi đặt lên bè chuối, buộc dây với cột nhà. Lim ngồi ở mép giường, hai chân đạp nước tỏ vẻ thích thú. Mừng cười bảo:
- Để sức lát còn leo lên mái nhà. Mưa suốt thế này nước dâng nhanh lắm.
- Đến mức ấy ư? Tớ đâu biết leo trèo.
- Lúc cận kề sinh tử, ai cũng trèo được hết.
Mừng chưa nói hết câu thì Lim đã cảm nhận được nước đang dâng lên tận chỗ mình ngồi. Bên ngoài nước cuộn lên như sóng biển. Cái thang được dựng sẵn ở góc nhà giờ được bắc lên gác mái. “Chắc phải chuyển từng thứ lên thôi. Tình hình này nước còn lên cao nữa”. Lim nhảy xuống nước nhấc bao lúa lên vai đưa cho ông cụ. Còn đôi lợn tính sao? Lim nghe thấy trong giọng ông cụ nghèn nghẹn rưng rưng. Nhà cụ nghèo, có đôi lợn là tài sản lớn nhất để dành nuôi lớn bán lấy tiền cho Mừng ăn học. Đàn chó con kêu ư ử đòi chạy khỏi căn gác chật hẹp, tối tăm. Mừng cố ôm lấy chiếc nồi còn ít cơm nguội trước lúc cơn mưa mỗi lúc một to hơn.
Lim ngồi ngẩn người, vai chùng xuống. “Chừng nào mưa thôi rơi?”, hình như mẹ cũng đã từng thốt lên như vậy lúc đứng trong căn biệt phủ ngó ra ngoài màn mưa xối xả. Bố thường xuyên vắng nhà nhiều ngày, chỉ thỉnh thoảng trở về đi một vòng quanh biệt phủ của mình xem mọi thứ có còn nguyên vẹn. Lim không sao quên được vẻ thỏa mãn của bố mỗi khi nằm dài trên chiếc sập gỗ mun. Ông nói:
- Lúc nhỏ mỗi khi đi kéo gỗ lậu qua sông, bố từng ước đời mình sẽ có ngày được nằm trên chiếc sập bằng gỗ quý. Nằm cho bõ những tháng ngày kéo gỗ đến lệch cả người.
- Lúc ấy bố cũng ước được sống trong căn nhà toàn gỗ thế này ư?
- Tất nhiên. Bố muốn cả cơ thể mình thơm mùi gỗ. Hương gỗ chảy cả vào từng mạch máu của mình.
Giờ Lim ngồi thu lu trên căn gác xép chật chội này, nghe nước cuồn cuộn đập vào tường. Nhìn nước lũ nhấn chìm dần mọi thứ, mắt Mừng đỏ hoe.
- Rồi biết lấy gì mà sống.
- Còn người là còn của con ơi.
Qua cánh cửa nhà ọp ẹp vừa bị lũ hất tung, Lim nhìn ra ngoài thấy lợn gà, trâu bò trôi theo dòng lũ. Mừng nói đâu chỉ thế, trong dòng lũ ấy còn có cả mạng người. Cơn lũ giằng đứa nhỏ tuột khỏi bàn tay nắm níu của một người mẹ khốn khổ nào đó. Giằng ông già khỏi cái cột nhà. Giằng người chồng khỏi vợ. Giằng người mẹ khỏi con. Như cách mà chúng ta giằng sự sống của rừng. Giằng vùng biển sạch của cá tôm. Giằng sự trong lành của bầu khí quyển. “Loài người đến trái đất này để tàn phá rồi đi”.
Lim ngoảnh sang nhìn bạn chỉ tấy đôi mắt sáng lên giữa bóng tối ảm đạm đang dần bao phủ. Trời vẫn tiếp tục mưa, Lim bắt đầu thấy cái lạnh ngấm dần vào cơ thể. Tiếng chó rên ư ử, tiếng lợn bị trói chân inh ỏi kêu la. Mùi hôi hám, khăm khẳm bốc lên nồng nặc. Có nằm mơ Lim cũng chưa bao giờ nghĩ mình rơi vào tình cảnh này. Thế giới của Lim trong căn biệt phủ ở quê nhà sạch bong không vết bụi. Gỗ được lát từ cổng vào nhà. Hằng ngày mẹ không có việc gì khác ngoài lau mọi thứ trong nhà. Gỗ quý càng lau càng bóng. Bóng đến mức soi thấu cả tâm can của chủ.
Bóng tối bao phủ khắp nơi. Những đôi mắt cũng chìm vào thăm thẳm. Giá có một cây đèn dầu, một ngọn nến thì Lim sẽ cầm chúng trên tay để xua đi sự lạnh lẽo đáng sợ này. Điện thoại cũng đã gần hết pin. Đã mấy lần Lim bồn chồn mở máy như chờ đợi một điều gì đó. Biết đâu mẹ sẽ gọi. Chẳng phải trong những phút nguy hiểm xảy đến với con, người mẹ nào cũng sẽ được linh tính mách bảo hay sao? Mừng cười bảo:
- Giá còn mẹ, giờ này ngồi tránh lũ cùng nhau chắc cũng đỡ buồn bố nhỉ?
- Năm ấy cũng lũ lớn thế này, bố chèo xuồng chở mẹ con đến trạm xá suýt lật mấy lần. Vừa đến nơi thì mày toi ra. Mẹ mừng quá đặt tên con là Mừng.
- Rồi sau này sao mà mẹ cậu mất?
- Ờ thì cũng là mùa mưa bão. Cơn bão số 10 năm đó khủng khiếp lắm. Mẹ tớ đi câu mực còn chưa kịp về thì bão ập tới bất ngờ. Trước cơn bão trời yên biển lặng. Nên tớ luôn thấy sợ sự yên lặng bất thường. Mà thôi cậu tranh thủ chợp mắt đi một lúc mà lấy sức.
Lim lần tìm vai bạn trong bóng tối. Đặt tay mình lên bờ vai gầy gò xương xẩu, mắt Lim ứa lệ. Một đêm rất dài, chỉ nghe thấy mưa rơi trên đầu và tiếng nước cuộn mình phía dưới. Thỉnh thoảng Lim kể một câu chuyện gì đó, cũng không rõ có ai nghe mình nói hay không. Rồi Lim chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay.
Bố con Mừng chìm trong bóng tối, không biết là còn thức hay ngủ ngồi. Chú chó đã chịu nằm yên, có lẽ nó đã quen với những mùa lũ nơi này. Chỉ có hai con lợn là thỉnh thoảng loại réo lên inh ỏi chắc vì quá đói. Lim cũng thấy bụng dạ cồn cào. Tối qua Lim chỉ uống mà không ăn gì. Cồn trong rượu giờ đang đốt cháy dạ dày. Giá có bát canh lá chua của mẹ mà húp thì dễ chịu biết bao nhiêu. Lim chợt nhớ ra đã lâu lắm rồi mình không về nhà ăn cơm với mẹ. Lim chạy trốn khỏi biệt phủ, bỏ lại mẹ cô độc trong thế giới của những cánh rừng bị đốn. Ở đó Lim không thể nào có một giấc ngủ ngon. Những cơn ác mộng cứ dồn dập ập đến. Tỉnh dậy Lim thấy chiếc giường gỗ Lim mình nằm đang cựa quậy. Đặt chân xuống đất định bỏ chạy thì thấy sàn nhà gỗ đàn hương đang thi nhau cựa mình thò tay lôi chân Lim. Từ bộ bàn ghế đến trần nhà đều kêu lên răng rắc như đang động đất. Lim từng kể về giấc mơ của mình, bố cười khùng khục bảo:
- Thằng này gan thỏ đế chẳng làm được việc gì lớn cả.
- Làm việc lớn là phải tận diệt rừng như bố ấy ạ? Nếu thế con thà làm việc nhỏ còn hơn.
- Ai dạy mày nói thế? Mày thấy tao đã bao giờ cầm dao chặt một cái cây nào chưa hả?
- Một cái phẩy tay hay gật đầu của bố chẳng phải còn sắc lẹm hơn cưa dao, rìu búa hay sao ạ?
- Không biết mày có phải là con tao không nữa?
* * *
Nước đã dâng lên căn gác xép. Bố Mừng bảo:
- Phải dỡ ngói gọi cứu hộ thôi.
- Sao vừa nãy không gọi sớm hơn? - Lim nóng ruột.
- Vì nước ngập bốn bề. Số người cần cứu hộ rất đông mà xuồng cứu hộ thì ít. Phải ưu tiên người già, trẻ nhỏ và những nơi không cầm cự được lâu hơn mình.
Nước lũ đã ngoạm lấy chân Lim, lạnh buốt. Mừng đứng dậy dỡ mấy viên ngói trên đầu thò cổ ra ngoài. Nước từ dưới dâng lên, từ trên dội xuống khiến Lim nghẹt thở. Chẳng hiểu sao Lim lại có ý nghĩ muốn gọi cho bố ngay lúc này. Ngập ngừng Lim bấm gọi. “Bố à. Con đang mắc kẹt trong vùng lũ”. Phía bên kia hình như bố lặng đi, giống như sự lặng yên trước cơn bão lớn. Ông phẫn nộ vì chẳng bao giờ nghĩ rằng cậu con trai quý tử của mình lại đang ngồi cầu cứu ở vùng rốn lũ. Lim biết sau khi tắt điện thoại bố sẽ cuống cuồng lo lắng, cầu cứu khắp nơi. Ở đây nước đã gần ngập nóc nhà. Bố Mừng lấy khuỷu tay quệt nước mắt khi bất lực nhìn đôi lợn giống vẫy vùng chìm nghỉm. Ông vác chú chó lên vai, đặt nó ngồi trên mái nhà. Lim khẽ rùng mình khi chợt nhớ ra mình đâu có biết bơi. Chỉ cần trượt chân một cái là trôi theo cơn lũ.
Mưa lạnh quá, người Lim đã rét run. Môi Mừng thâm tím lại. Ba con người đùn đẩy nhường nhau chiếc áo mưa mỏng manh duy nhất. Mừng bảo:
- Nếu không đến đây, chắc cậu sẽ chẳng bao giờ có được trải nghiệm ngồi trên mái nhà ngắm biển nước xung quanh.
- Phải. Cũng làm sao biết được lúc cận kề ranh giới giữa sự sống và cái chết con người ta không cầm theo được thứ gì.
Điện thoại Lim liên tục reo nhưng mưa đã làm cháy màn hình. Lim buông chiếc điện thoại xuống biển nước phía dưới, lòng nhẹ bẫng. Nếu phải chấm dứt cuộc sống ở đây, trong trận lũ lịch sử này Lim cũng sẽ không oán hận ông trời. Bởi biết đâu cái chết của Lim sẽ làm bố thức tỉnh khỏi cuồng tham vô đáy.