Liên tiếp những vụ lừa đảo, mất tiền qua mạng gần đây khiến dư luận không khỏi hoang mang. Đáng nói là chiêu thức không quá mới, thậm chí "khá quen thuộc" mà chỉ khi tiền mất rồi mới chợt tỉnh. Cái bẫy lừa đảo qua mạng mỗi lúc như càng bủa vây, mở rộng hơn.
Không như thực tế người cần không dễ tìm được việc, người tuyển cũng than khó tìm ra người lao động, thế giới mạng trưng bộ mặt "việc tìm người" đầy rẫy, không đòi kinh nghiệm cũng chẳng cần bằng cấp mà lại rêu rao lương nhận rất cao!
Biến tấu chiêu xưa bài cũ
Sau khi để lại thông tin là nữ muốn tìm việc và gửi đi, một tài khoản cũng xưng là nữ liền chào mời nào là đánh máy, kỹ thuật viên spa, lễ tân khách sạn, phục vụ quán karaoke, tiệm massage dồn dập. Còn với thông tin là tài khoản nam, lập tức được chào mời các việc làm bảo vệ, vệ sĩ, dự sự kiện, làm nhiệm vụ game.
Thế nhưng đang lúc trò chuyện hăng say, 8/10 tài khoản vốn trước đó chủ động vào mời chào, nhiệt tình chỉ dẫn các kiểu bỗng bật "chế độ bất cần". Người xem, người chẳng buồn ngó tin nhắn rồi cứ thế lơ luôn dù chúng tôi vẫn liên tiếp nhắn tin, khẩn cầu mong được hỗ trợ tìm việc.
Hóa ra đây là chiêu của "nhà tuyển dụng trên mạng": chào mời, dẫn dụ con mồi rằng việc nhàn, lương tốt rồi đột nhiên lặn. Chọn một thời gian lặn đủ lâu để người tìm việc sốt ruột, các đối tượng mới tung "chiêu cuối". Một dạng hồi đáp hết sức văn mẫu "vì trả lời chậm nên đã tuyển đủ nhưng thấy bạn nhiệt tình, đang khó khăn nên sẽ tạo điều kiện".
Điều kiện ở đây là con mồi được yêu cầu đóng 450.000 đồng tiền đồng phục nếu làm bảo vệ, vệ sĩ; đóng 1,1 triệu đồng cọc giữ chỗ và học nghiệp vụ nếu làm lễ tân, kỹ thuật viên. Đánh vào tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội, "nhà tuyển dụng mạng" liên tục hối thúc không còn nhiều thời gian, rất nhiều người đang đợi, đã tạo điều kiện rồi mà không đóng thì thôi để chuyển cơ hội này cho người khác...
Và ngay khi số tiền 450.000 đồng vừa được chuyển đi, vở kịch cũng hạ màn dù đã dự đoán trước. Chúng tôi bị chặn liên lạc, thu hồi mọi tin nhắn. Với số phí 1,1 triệu đồng, nghe chúng tôi kỳ kèo xin chuyển trước 50% cũng được đồng ý ngay. Và y kịch bản đó, tiền chuyển đi, các phương thức liên lạc với người chuyển liền bị chặn ngay lập tức.
Lừa chồng lừa khi tìm việc
Tuấn (19 tuổi, ở Đồng Nai) là người chúng tôi quen được từ một trong các nhóm "việc nhẹ lương cao" khi vào đó tìm việc. Qua mạng, Tuấn quen với một tài khoản nói đang cần tuyển bảo vệ ngân hàng lương 10 triệu đồng/tháng. Nghe nhiêu đó thấy cũng ngon ăn, Tuấn răm rắp làm theo các yêu cầu từ cung cấp giấy tờ, số tài khoản, số thẻ ngân hàng đến truy cập vào đường link được gửi để tạo hồ sơ...
Còn đang khấp khởi mừng vì nghĩ phen này tìm được việc thì điện thoại Tuấn có tin nhắn báo bị trừ sạch hơn 2 triệu đồng trong thẻ. Vội chạy ra ngân hàng trình báo nhưng vô vọng vì cậu đã đưa hết thông tin cá nhân, mật khẩu ngân hàng, thậm chí cả mã OTP cho người ta thì mong gì lấy lại được tiền.
Không lâu sau lần đó, đang lướt mạng tìm việc, Tuấn được tài khoản tên Phạm Đức Chính xưng là nhân viên nhân sự Công ty An Thịnh Phát nhắn vì thấy Tuấn đang muốn tìm việc. Công việc được giới thiệu khá đơn giản, chỉ cần tạo một tài khoản rồi mỗi ngày vào ứng dụng đặt lệnh cược (đánh bạc tài xỉu online - PV) theo chỉ dẫn. "Làm đúng yêu cầu bạn sẽ nhận được lương thử việc 80.000 đồng/giờ, thanh toán ngay khi hoàn thành công việc" - Chính nhắn.
Giờ đầu thử việc khá suôn sẻ, các điều kiện lãnh lương hội đủ song Chính lại nhắn tin báo địa chỉ IP tài khoản bị trùng cần phải xác thực. Cách xác thực tài khoản gọn lẹ, Tuấn chỉ cần nạp 100.000 đồng, sao kê rõ ràng người nạp là mình và sẽ được công ty hỗ trợ thêm 100.000 đồng. "Làm theo, không những không nhận được tiền lương mà còn mất luôn số tiền xác thực vừa nạp" - Tuấn chua chát.