Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc: Ông Trump dùng chiến thuật 'bên bờ vực sâu', Bắc Kinh có thể làm ngơ?

Ngọc Trâm

Cuộc chiến thương mại leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang vào giai đoạn căng thẳng mới, đã mở rộng và vượt ra ngoài phạm vi thuế quan

Mỹ-Trung Quốc: Ông Trump dùng chiến thuật 'bên miệng hố sâu'
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc đang ở giai đoạn căng thẳng mới.

Kỳ phùng địch thủ

Kể từ khi trở lại Nhà Trắng lần thứ hai, Tổng thống Donald Trump đã áp thuế 145% lên hầu hết hàng hóa Trung Quốc, bao gồm cả thuế quan và hạn chế phi thuế quan, đang đe dọa xóa sổ phần lớn thương mại song phương, gây lo ngại về tác động đến nền kinh tế toàn cầu và thị trường tài chính.

Căng thẳng leo thang giữa Mỹ-Trung Quốc hiện không chỉ mở rộng, mà đã vượt ra ngoài phạm vi thuế quan, đang ảnh hưởng đến mọi thứ từ con chip, máy bay… đến dược phẩm. "Câu trả lời cứng rắn" của Bắc Kinh đe dọa phá vỡ nhiều thập kỷ cố gắng của các chính trị gia ở Washington - những người đã nỗ lực vận động hành lang để các doanh nghiệp Mỹ có được vị trí như ngày hôm nay tại thị trường tỷ dân.

Thị trường thế giới giữa tuần này cũng “bối rối” sau khi Nhà Trắng đăng tải thông cáo cho biết: "Trung Quốc hiện phải đối mặt với mức thuế “giật mình” lên đến 245% đối với hàng hóa xuất sang Mỹ do hệ quả của các động thái trả đũa". Con số 245% thực tế cao hơn rất nhiều so với mức 145% mà Nhà Trắng công bố hồi tuần trước, khiến dư luận không khỏi ngỡ ngàng, rồi nghi ngờ rằng - liệu có phải chính quyền Tổng thống Trump có vừa áp mức thuế quan mới với Trung Quốc.

May thay, Nhà Trắng đã kịp thời lên tiếng giải thích rằng - 245% không phải là mức thuế mới. Con số này gồm 125% thuế đối ứng công bố gần đây, 20% thuế liên quan đến vấn đề fentanyl và 7,5%-100% thuế đánh vào một số hàng hóa nhất định của Trung Quốc theo Mục 301 đã áp dụng từ năm 2019.

Nhưng phản ứng trước động thái này của Mỹ, Bắc Kinh khẳng định sẽ không còn để tâm đến những con số thuế quan của Washington.

Trong khi chính các công ty Mỹ tại Trung Quốc hiện vẫn hoang mang về tương lai của mình giữa động thái qua lại giữa hai bên. Các "ông lớn" của Mỹ từ Apple, Nike, Tesla, Starbucks, Boeing đều đang "mắc kẹt" giữa cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc. Đặc biệt khi Bắc Kinh đưa ra những quyết định cứng rắn, đánh thẳng vào các hoạt động của họ tại thị trường quan trọng hàng đầu này.

Và trong khi Washington gợi ý, Tổng thống Trump sẵn sàng thực hiện một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh nên là người hành động trước, nhấn mạnh Trung Quốc mới là bên "cần tiền của chúng ta". Nhưng khi các nước đang xem xét các thỏa thuận thương mại song phương với Washington, Trung Quốc lạnh lùng đáp trả bằng cách áp thuế 125% lên hàng hóa Mỹ, đồng thời “phớt lờ” động thái tìm kiếm đàm phán với Nhà Trắng. Bắc Kinh khẳng định đàm phán chỉ có thể tiến hành trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.

Trong bối cảnh quan hệ của hai nền kinh tế có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới chưa cho thấy tia hy vọng rõ ràng nào, các nhà đầu tư bắt đầu cảm thấy mỗi lo ngại ngày càng lớn hơn về việc phải đối mặt với nhiều vấn đề bất ổn kéo dài trong nền kinh tế thế giới. Động thái của hai “người khổng lồ” cũng đã làm đảo lộn sự ổn định mong manh của thị trường trong tuần này, tác động đến đồng USD, tạo nên những “cú ngã bất ngờ” trên thị trường chứng khoán và thúc đẩy “tài sản trú ẩn an toàn” như vàng liên tiếp lập các mức giá chưa từng có trong lịch sử.

Bắc Kinh không ngại "bờ vực sâu" của ông Trump?

Chuyên gia William Reinsch của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) mô tả việc hai nền kinh tế đối đầu như đang chơi đấu vật. Ông cho biết, mong đợi Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ sớm thảo luận về một thỏa thuận có thể dẫn đến việc bãi bỏ thuế quan hoặc ít nhất là tạm dừng.

"Tất cả đều là động thái đòn bẩy", chuyên gia Reinsch nhận định.

Theo vị chuyên gia này, "mục đích là để buộc đối phương phải đàm phán về bất kỳ điều gì mà [ông Trump] muốn đàm phán và ông ấy rất giỏi trong trò chơi "bờ vực thẳm". Ông ấy đi thẳng đến bờ vực như đã làm với Canada và Mexico và sau đó ông ấy lùi lại trong giới hạn chấp nhận được, rồi tuyên bố chiến thắng". Đó chính xác là những gì đã xảy ra với các nhà lãnh đạo Canada và Mexico.

Nhưng liệu những diễn biến như vậy cuối cùng có hiệu quả với Trung Quốc hay không và liệu nhà lãnh đạo Trung Quốc có sẵn sàng chiều chuộng theo ý ông Trump hay không vẫn còn chưa chắc chắn. Bởi điểm lại trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, ông chủ Nhà Trắng cũng đã nhiều lần áp thuế đối với Trung Quốc, những Bắc Kinh đều trả đũa mỗi lần.

Lần này, một số nhà phân tích cho rằng, các quan chức Mỹ sẽ phải thúc đẩy nhiều hơn nữa để đạt được những thay đổi có khả năng làm hài lòng vị Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ. Nhưng đây đã là lần thứ năm liên tiếp Bắc Kinh trả đũa thuế quan, thay vì thực hiện các thay đổi cần thiết. Bốn lần đầu tiên đã diễn ra trong nhiệm kỳ thứ nhất của ông Trump và đều không có một kết quả nào khác.

Theo dõi Evachoice để cập nhật thêm những thông tin mới nhất mỗi ngày!