1,9 tỉ đồng trong tài khoản ngân hàng "bốc hơi" vì chiêu lừa đảo mới
Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã đưa ra cảnh báo về mánh khóe lừa đảo mới xuất hiện này.
Công an huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) gần đây vừa tiếp nhận đơn trình báo của chị N.T.T (trú huyện Đức Cơ) về việc bị đối tượng quen biết qua mạng lừa đảo, chiếm đoạt hơn 1,9 tỉ đồng.
Theo đó, khoảng tháng 11/2024, thông qua mạng xã hội, chị T kết bạn làm quen với một người tên Tuấn, tự giới thiệu là ở Hà Nội. Khi có được niềm tin của chị T Tuấn giới thiệu chị tham gia bán hàng online nhận “hoa hồng”, hướng dẫn chị T truy cập vào đường link và tạo lập gian bán hàng trên mạng xã hội Facebook.
Trong khoảng 8 ngày, chị T đã thực hiện khoảng 62 đơn đặt hàng, 25 lần chuyển tiền với tổng cộng hơn 1,9 tỉ đồng. Vì không còn khả năng chuyển tiền, chị T yêu cầu rút vốn không làm nữa thì Tuấn lấy lý do gian hàng của chị T mới được lập, chưa là thành viên chính thức nên phải nộp thêm “thuế thu nhập cá nhân” với số tiền 195 triệu đồng thì công ty mới cho rút hết số tiền đã nộp vào.
Sau nhiều lần liên lạc với Tuấn nhưng không thể rút tiền, chị T nghi ngờ bị lừa nên đến Công an huyện Đức Cơ trình báo vụ việc.
Trước thông tin trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân không tham gia các hình thức bán hàng online với lợi nhuận hoặc tiền hoa hồng cao. Không truy cập, đăng nhập, tải các web, đường link được gửi từ người lạ, không rõ nguồn gốc. Tuyệt đối không chuyển tiền cho bất cứ ai khi không có thông tin rõ ràng, cụ thể của tài khoản nhận tiền.
Các thủ đoạn lừa đảo mà người dân cần cảnh giác:
Hiện nay, tình trạng lừa đảo qua điện thoại diễn ra rất phổ biến. Một số thủ đoạn quen thuộc thường thấy như:
- Giả mạo shipper: Thủ đoạn phổ biến của các đối tượng là gọi điện tự xưng shipper, thông báo có đơn hàng cần giao và yêu cầu khách thanh toán trước qua chuyển khoản. Sau khi tiền được gửi đi, người mạo danh viện lý do nhầm lẫn số tài khoản thường là tài khoản hội viên hoặc gói dịch vụ và yêu khách hàng truy cập đường link giả mạo để hoàn tiền. Khi nạn nhân nhập thông tin vào các đường link này, tài khoản ngân hàng lập tức bị chiếm đoạt.
- Giả mạo Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án… gọi điện gây sức ép, yêu cầu nộp tiền. Kịch bản lừa đảo trong tình huống này là: Giả làm Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án… liên hệ với nạn nhân thông báo vi phạm không có thật, khai thác thông tin cá nhân của người nghe. Sau đó, chúng sẽ sử dụng các thông tin này để làm giả lệnh bắt, khởi tố của cơ quan Công an nhằm đe dọa, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền để phục vụ điều tra.
- Giả danh ngân hàng gọi điện mời chào vay tiền online. Thủ đoạn này thực hiện bằng cách hướng dẫn nạn nhân làm các thủ tục vay, mở tài khoản online, sau đó gửi yêu cầu xác nhận phê duyệt khoản vay và yêu cầu nộp các khoản tiền lệ phí, tiền trả góp… để chiếm đoạt.
- Giả danh nhân viên cửa hàng, công ty xổ số... gọi điện thông báo họ may mắn nhận được phần thưởng có giá trị cao. Để nhận phần thưởng này, nạn nhân phải mua một sản phẩm của đối tượng có giá trị cao hơn giá trị ngoài thị trường hoặc chuyển trước một số tiền đóng thuế để nhận thưởng, sau đó chiếm đoạt.
Theo dõi Evachoice để cập nhật thêm những thông tin mới nhất mỗi ngày!
- » Những Chiêu Thức Lừa Đảo Trực Tuyến Mới Nhất Người Dân Nên Biết Để Phòng Tránh
- » Nhận Diện Các Hình Thức Lừa Đảo Trực Tuyến Phổ Biến: Bảo Vệ Bạn Trước Những Mối Nguy Hiểm Trên Mạng
- » Top 6 hình thức lừa đảo kiếm tiền online mà bạn cần phải biết!
- » Cách phòng tránh lừa đảo trên mạng
- » Lừa đảo đặt phòng qua mạng gia tăng mạnh